Chỉ còn gần 1 tuần nữa, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. Nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị chu đáo sẵn sàng đáp ứng trong tình hình mới, năm nay công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điểm mới và sự điều chỉnh như thế nào để vừa phòng chống dịch bệnh vừa ngăn ngừa sai phạm tại địa phương nhưng không chồng chéo nhiệm vụ?
Phóng viên VOV phỏng vấn Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường về nội dung này.
Thanh tra lưu động ở một số sở
- Thưa ông, năm nay là năm thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để đáp ứng với tình hình mới, ông có thể cho biết công tác thanh tra và kiểm tra mà Bộ GD&ĐT tạo tiến hành đến thời điểm này như thế nào và có gì thay đổi so với các năm trước?
- Việc tổ chức các phương án thanh tra, kiểm tra năm nay thì khác với năm 2020 ở một số điểm sau: Về 4 khâu của kỳ thi đảm bảo cho các đoàn thanh tra của bộ, của sở đều khắp.
Đối với việc kiểm tra công tác chuẩn bị thi, chúng tôi giữ nguyên như năm 2020 và tiếp tục thành lập 10 đoàn kiểm tra của thanh tra tại 20 Sở, sau đó bộ thành lập 6 đoàn kiểm tra do lãnh đạo bộ và ban Chỉ đạo để triển khai kiểm tra các địa phương.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra từ 6-8/7 tới. |
Về khâu kiểm tra công tác coi thi, năm nay, chúng tôi vẫn thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở do các trường đại học kiểm tra tổ chức. Năm nay sẽ kiểm tra lưu động tại một số sở, nếu có dấu hiệu vi phạm và có chỉ đạo hoặc thông tin có dấu hiệu thì chúng tôi sẽ tổ chức đoàn kiểm tra.
Điều lực lượng thanh tra thay thế
- Chỉ còn gần 1 tuần nữa là diễn ra kỳ thi trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị các phương án dự phòng ra sao về nhân lực làm công tác thanh tra/kiểm tra thi, để ứng phó với những tình huống bất thường xảy ra?
- Ngay từ khi xây dựng kế hoạch, phương án thanh tra, kiểm tra, chúng tôi bám sát tình hình dịch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia. Ngay từ khi tổ chức tập huấn, chúng tôi phải thay đổi phương án thông qua hệ thống bài giảng thích ứng theo nhu cầu điều kiện của diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, chúng tôi luôn luôn xây dựng phương án có sự điều chỉnh hàng ngày.
Đến thời điểm này, 3 địa phương có dịch mà không thể đưa người của giảng viên đại học từ nơi địa phương đó đến các địa phương khác. Như TP.HCM, đầu tiên, chúng tôi dự kiến huy động 1.300 cán bộ, giảng viên của 29 cơ sở giáo dục đại học ở TP.HCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rồi Duyên Hải, Tây Nguyên.
Tuy nhiên hiện nay, TP.HCM giãn cách, không thể điều các giảng viên đại học đi tới các địa phương đó. Do vậy, chúng tôi đã phải sử dụng phương án huy động cán, bộ giảng viên của các trường đại học khác ở những vùng chưa có dịch để trám vào chỗ thiếu 1.300, chúng tôi có thể huy động ĐH Cần Thơ hay ĐH Trà Vinh sẽ làm hai tỉnh, hay ĐH Khánh Hòa Nha Trang…
Tất cả những trường đó sẽ phải đáp ứng nhu cầu bổ sung thêm lực lượng để bù lại các thầy cô ở TP.HCM không đi được. Chúng tôi phải có phương án để điều tiết các trường đại học để làm công tác coi thi.
Ngoài ra, các lực lượng của quân đội, lực lượng của các trường đại học khối ngành y, chúng tôi cũng có các biện pháp để dự bị, sẵn sàng ứng cứu những chỗ mà không có người đến được.
- Nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc trong quá trình thi và sau kỳ thi, ông có lưu ý gì tới các địa phương, nhất là vấn đề thanh kiểm tra trong thời gian diễn ra kỳ thi và chấm thi, thưa ông?
- Chúng tôi đã chỉ đạo quán triệt tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, tránh tiêu cực và đảm bảo quyền lợi của người học. Các cấp, các cơ quan lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi phải quán triệt từ khâu chuẩn bị.
Các khâu coi thi, chấm thi phải xác định khâu nào cũng phải đảm bảo nghiêm túc, an toàn, rõ trách nhiệm và khi sai phạm thì phải xử lý nghiêm, không để xảy ra khoảng trống, điểm mờ trong công tác kiểm tra, thanh tra.
Tất cả hội đồng thi tại địa phương đều cần được quán triệt đầy đủ điều này và phân công rõ. Chúng tôi tin rằng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT và trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh với kinh nghiệm đã được rút ra từ năm 2020, cùng với sự phối hợp rất tích cực, hiệu quả của các lực lượng, kỳ thi sẽ diễn ra an toàn, khách quan, chất lượng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Trân trọng cảm ơn ông.
Bắc Giang có 3 thí sinh F0, 66 em F1Ngoài 69 em này, thí sinh thuộc diện F2 chưa hoàn thành cách ly tại nhà cũng không thể dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Con số có thể tiếp tục biến động trong những ngày tới. |