Công tác lập báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) là nhiệm vụ mới, được hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện từ năm 2019. Những năm qua, KBNN Khánh Hòa luôn đảm bảo tiến độ, từng bước nâng cao chất lượng BCTCNN tỉnh trình UBND tỉnh để báo cáo HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm. BCTCNN cơ bản đã cung cấp thông tin về tài sản, nguồn vốn của Nhà nước và được các cấp có thẩm quyền ghi nhận.
Nâng cao chất lượng
Sau 3 năm thực hiện lập BCTCNN, các cơ quan, đơn vị liên quan đã nhận thức được trách nhiệm và tích cực, chủ động phối hợp tốt với KBNN Khánh Hòa trong việc lập, gửi BCTCNN. Để có bức tranh tài chính tổng thể và đầy đủ hơn (mở rộng phạm vi các đơn vị cung cấp thông tin tài chính), việc cải thiện và nâng cao chất lượng BCTCNN năm 2021 là nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho hệ thống KBNN nói chung và KBNN Khánh Hòa nói riêng. Để tổng hợp, lập BCTCNN tỉnh đúng tiến độ, KBNN Khánh Hòa đã công bố danh sách các đơn vị thuộc đối tượng lập BCTCNN; công bố danh sách cán bộ hỗ trợ nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp địa chỉ khai thác tài liệu hướng dẫn sử dụng trên Cổng thông tin điện tử (https://bctcnn.vst.mof.gov.vn); quy định thời hạn gửi BCTCNN; đồng thời lưu ý một số nội dung liên quan đến việc gửi báo cáo cung cấp thông tin đối với UBND cấp xã, ban quản lý dự án,… mở rộng kênh thông tin để trao đổi giữa kho bạc với cơ quan tài chính, các ban, ngành, địa phương; giữa người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin trao đổi các vướng mắc để có BCTCNN đầy đủ, chính xác, kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, KBNN Khánh Hòa đã hoàn thành lập BCTCNN tỉnh năm 2021.
Trên cơ sở số liệu thu thập được từ 423 đơn vị có trách nhiệm gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính, KBNN Khánh Hòa đã phân tích, thuyết minh đầy đủ, rõ ràng, chính xác các số liệu trên BCTCNN tỉnh về: Tình hình tài sản và nguồn hình thành tài sản nhà nước của tỉnh tại thời điểm cuối năm (phản ánh quy mô tài sản khu vực nhà nước của tỉnh đang nằm ở đâu và được hình thành từ những nguồn nào); kết quả hoạt động tài chính nhà nước của năm; báo cáo lưu chuyển tiền tệ trình bày cụ thể các luồng tiền thực thu vào, thực chi ra trong năm tài chính và số dư tiền (và tương đương tiền) của Nhà nước (ngân sách và ngoài ngân sách) tại thời điểm kết thúc năm tài chính (cho biết nguồn tiền của khu vực Nhà nước được hình thành từ đâu, chi tiêu vào những việc gì?)… Sau khi hoàn thành việc tổng hợp, KBNN Khánh Hòa đã xin ý kiến góp ý của 35 đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện cho dự thảo BCTCNN tỉnh. Kết quả các cơ quan, đơn vị, địa phương đều thống nhất số liệu và thuyết minh, phân tích.
Một số hạn chế
Trong quá trình tổng hợp, lập BCTCNN, KBNN Khánh Hòa nhận thấy một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là thông tin về tình hình tài chính nhà nước hiện nay được theo dõi trên các ứng dụng khác nhau, tại các đơn vị khác nhau, theo quy định của chế độ kế toán áp dụng cho từng đơn vị tương ứng với nội dung mà đơn vị được giao quản lý hoặc sử dụng. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc của những đơn vị tổng hợp báo cáo không sử dụng chung 1 phần mềm kế toán dẫn đến khi tổng hợp chung thành báo cáo tổng không tương thích, việc đối chiếu chỉ tiêu tổng với chỉ tiêu tương ứng của các đơn vị cấp dưới trực thuộc khó khăn nên KBNN phải làm thủ công nhiều trong khi nhân lực hạn chế; phần mềm tổng hợp các mẫu biểu báo cáo của đơn vị cấp dưới đôi khi chưa đáp ứng được hết yêu cầu.
Ngoài ra, thông tin về quyền sử dụng đất trong tài sản vô hình của các đơn vị còn chưa tính được chính xác; thông tin về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tài sản kết cấu hạ tầng,… vẫn chưa thu thập đầy đủ hoặc giữa các bên liên quan chưa thống nhất; nhiều mẫu báo cáo đơn vị phải lập thủ công nên dẫn đến thiếu sót hoặc không chính xác; việc tổng hợp số liệu cung cấp chưa được kiểm chứng đầy đủ nên tuy là năm thứ 4 thực hiện nhưng vẫn còn hơn 10% số báo cáo phải trả lại nhiều lần để các đơn vị sửa, bổ sung tính hợp lý. Công chức KBNN được phân công làm công tác tổng hợp, lập BCTCNN phải đối chiếu, rà soát lại nhiều lần với đơn vị mới có được số liệu đúng.
Cần làm tốt công tác đào tạo và truyền thông
Trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, KBNN đã xác định một số mục tiêu, trong đó BCTCNN phải cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính - ngân sách nhà nước phù hợp với chuẩn mực kế toán công để phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp và người dân; nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước. Cùng với đó, rút ngắn thời gian lập và trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và BCTCNN với mục tiêu đến năm 2030, thời gian lập và trình 2 báo cáo này tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính - ngân sách.
Để có một BCTCNN đảm bảo chất lượng như mục tiêu đề ra, trước tiên phải đảm bảo tốt các thông tin, dữ liệu tài chính đầu vào. Để đảm bảo tốt các thông tin, dữ liệu tài chính đầu vào thì cần làm tốt công tác đào tạo và truyền thông. Việc lập BCTCNN là nhiệm vụ mới, phức tạp đối với nền tài chính công ở nước ta, vì vậy, cần thiết phải đào tạo để hỗ trợ mọi người tham gia (cán bộ kế toán của các đơn vị kế toán nhà nước và đội ngũ cán bộ lập BCTCNN trong toàn hệ thống KBNN) có thể nhanh chóng làm chủ được số liệu tài chính, thực hiện thành thạo công việc của mình. Công tác truyền thông cần thực hiện thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức, hiểu biết của các tổ chức, cá nhân liên quan về vai trò, lợi ích của BCTCNN nhằm tạo sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, quản lý trong việc khai thác, sử dụng thông tin tài chính nhà nước trong công tác quản lý, điều hành các nguồn lực tài chính của địa phương, cũng như sự ủng hộ của truyền thông về những khó khăn thách thức trong giai đoạn đầu triển khai lập BCTCNN. Thực hiện tốt đào tạo và truyền thông từ đó cung cấp thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác góp phần tạo nên một BCTCNN đầy đủ các thông tin, dữ liệu phản ánh chính xác tình hình tài chính, giúp công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương ngày càng hiệu quả.
NGUYỄN ĐỨC MẠO