Hầu hết trong số 175 hộ này đều không thỏa mãn điều kiện có đăng ký kê khai ban đầu (địa điểm, diện tích, số lượng, thời gian nuôi...) và được xã kiểm tra xác nhận ngay từ thời điểm nuôi theo quy định tại Nghị định 02/2017 (có hiệu lực từ 25/2/2017) của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Theo kết luận thanh tra, nhiều trường hợp sau khi bão xảy ra mới chạy đôn chạy đáo kê khai và được xã “hợp thức hóa”, xác nhận. Có những hộ nộp cả những giấy tờ không phải là căn cứ để xét duyệt nhận hỗ trợ như đơn xin gia nhập chi hội nuôi tôm hùm, phiếu bán tôm, giấy kiểm dịch động vật… hoặc có làm đăng ký ban đầu, nhưng không đầy đủ thông tin. Thậm chí có nhiều trường hợp không thuộc đối tượng được xét hỗ trợ theo Nghị định 02.
Vậy nhưng 175 hồ sơ này vẫn được xã xác nhận, được Phòng Kinh tế huyện thẩm định, được Sở NN&PTNT tỉnh thống nhất với đề xuất hỗ trợ. Kết quả là huyện Vạn Ninh đã ban hành các quyết định phê duyệt danh sách 175 hộ được xét hỗ trợ về nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão số 12 gây ra, với tổng kinh phí hơn 23,7 tỷ đồng.
Vụ việc có thể sẽ trót lọt nếu không có những bức xúc của chính những người trong cuộc khi họ phát hiện trong danh sách đó có những hộ không đủ điều kiện hoặc có tên nhiều cán bộ, người nhà cán bộ xã, trong khi một số người dân bị thiệt hại nặng lại bị loại. Căng thẳng đến mức hàng trăm người kéo lên UBND các xã Vạn Thạnh, Vạn Hưng, rồi UBND huyện Vạn Ninh và Văn phòng UBND tỉnh để phản đối. Huyện đã tạm dừng hỗ trợ, yêu cầu thanh tra và kết quả là toàn bộ danh sách kia không đủ điều kiện để được hỗ trợ.
Chẳng hạn như tại xã Vạn Long (nơi có 56 trường hợp được duyệt hỗ trợ), làm việc với đoàn thanh tra, ông Lê Minh Khánh, cán bộ phụ trách công tác khuyến nông, khuyến ngư; ông Phạm Ngọc Nghi - Trưởng thôn Ninh Thọ và lãnh đạo UBND xã đều thừa nhận sau thời điểm bão số 12 xảy ra, 56 trường hợp trên có nhờ ông Nghi và ông Khánh viết giúp bản đăng ký kê khai ban đầu (địa điểm, diện tích, số lượng, thời gian nuôi… mà lẽ ra chính họ phải kiểm tra, xác nhận cho hộ dân từ khi thả nuôi) và ghi lùi ngày kê khai, đồng thời xác nhận.
Nông nghiệp nói chung, nghề nuôi trồng thủy sản nói riêng luôn chịu ảnh hưởng rủi ro của thời tiết, thiên tai. Thiệt hại là điều chẳng ai mong muốn, nhưng không vì thế muốn kê khai thế nào, xác nhận, hợp thức hóa ra sao đều nhận được hỗ trợ. Việc Nghị định 02 quy định điều kiện để được hỗ trợ phải có kê khai ban đầu (nuôi con gì, diện tích bao nhiêu, số lượng thế nào…) và được xã kiểm tra xác nhận ngay từ thời điểm thả nuôi là cần thiết, bởi đây là cơ sở quan trọng nhất để chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng, đánh giá đúng mức độ thiệt hại, giúp người dân giảm bớt khó khăn, khôi phục sản xuất.
Trách người dân một thì trách những cán bộ xã mười, bởi họ có nghĩa vụ phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho người dân, nhưng họ lại lơ là và khi sự việc xảy ra, lại tiếp tay, hợp thức hóa hồ sơ để được nhận hỗ trợ, thậm chí còn làm sai, xác nhận bừa, suýt chút nữa gây thất thoát ngân sách.