Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng

Thứ tư - 13/11/2024 04:04
Mã số vùng trồng được xem là “tấm vé thông hành” để xuất khẩu nông sản, nhất là sầu riêng theo đường chính ngạch, từ đó nâng cao giá trị, thương hiệu cho nông sản Khánh Sơn.
Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng

Mã số vùng trồng được xem là “tấm vé thông hành” để xuất khẩu nông sản, nhất là sầu riêng theo đường chính ngạch, từ đó nâng cao giá trị, thương hiệu cho nông sản Khánh Sơn. Trong điều kiện số lượng chủ thể, diện tích đã được cấp mã số vùng trồng còn ít, huyện Khánh Sơn đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng.

Diện tích được cấp chưa nhiều

Với điều kiện, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, huyện Khánh Sơn đã tập trung phát triển nhiều loại cây ăn quả chất lượng cao. Trong đó, cây sầu riêng đang được nông dân đầu tư theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ để từng bước hình thành chuỗi liên kết nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ… Để ổn định đầu ra cho nông sản, nhất là sầu riêng, thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã tích cực triển khai việc cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Địa phương đã cập nhật các tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, mã số vùng trồng nội địa để tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký xây dựng mã số vùng trồng mới; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá đối với các diện tích đã được cấp mã số vùng trồng và khuyến khích các vùng trồng đăng ký cấp mã số vùng trồng mới… Đến nay, toàn huyện đã có 15 tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, với diện tích 430ha.

Sầu riêng là loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Khánh Sơn.
Sầu riêng là loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Khánh Sơn.

Ông Trần Tấn Chóng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Khi có vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ có điều kiện thuận lợi, là “tấm vé thông hành” cho nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ nâng cao được giá trị thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn, tăng thu nhập cho người trồng sầu riêng. Thực tế, trong vụ sầu riêng vừa qua, giá bán sầu riêng của các hộ có vườn được cấp mã số vùng trồng cao hơn so với những hộ không có mã số”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn như: Để một mã số vùng trồng được cấp, phụ thuộc hoàn toàn vào nước nhập khẩu nên thời gian triển khai thực hiện có thể phải kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm hoặc có thể hơn; thủ tục cấp mã số vùng trồng cũng khá phức tạp, đòi hỏi nỗ lực của các bên, nhất là người sản xuất; quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự đồng nhất của từng vùng trồng cũng ảnh hưởng lớn đến việc cấp mã số. Trong khi đó, người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về mã số vùng trồng và những lợi ích mà nó mang lại nên chưa mạnh dạn đăng ký tham gia…

Tiếp tục hỗ trợ nông dân

Một số nhà vườn trồng sầu riêng và cây ăn quả tại huyện cho rằng, so với diện tích 3.308ha cây ăn quả giá trị kinh tế cao trên địa bàn, với 2.600ha sầu riêng (trong đó có 1.700ha đã cho thu hoạch), 349ha bưởi da xanh, 38ha quýt, 51ha chôm chôm và nhiều diện tích cây ăn quả khác thì số lượng, diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng tại Khánh Sơn hiện nay còn rất hạn chế. Huyện cần có giải pháp để tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc đăng ký mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch và kiểm soát chất lượng sản phẩm của các mã vùng trồng đã được công nhận.

Để tiếp tục hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện trong việc thiết lập mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích, quy trình thiết lập, cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ nông nghiệp cấp xã, thị trấn, các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân nắm được quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, hữu cơ…), quản lý diện tích đã được cấp mã số vùng trồng đảm bảo theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát nhu cầu đăng ký cấp mã số vùng trồng trên địa bàn huyện; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thiết lập các hồ sơ cấp mã số vùng trồng mới. Đồng thời, hướng dẫn việc duy trì tuân thủ các quy định về vùng trồng như: Vệ sinh vườn trồng (xử lý cỏ dại, tàn dư, vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón...), ghi sổ nhật ký canh tác, áp dụng quy trình quản lý sinh vật hại… đối với các vùng trồng đã được cấp mã số.

Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng. Để hỗ trợ nông dân, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc đăng ký mã số vùng trồng, nhất là với cây sầu riêng; tăng cường việc kiểm soát chất lượng sản phẩm các mã số vùng trồng đã được công nhận. Để đáp ứng những điều kiện khắt khe của các nước nhập khẩu nông sản, huyện khuyến khích các hộ nông dân liên kết hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, an toàn nông sản đáp ứng được nhu cầu của thị trường; liên kết theo chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nhằm ổn định đầu ra cho nông sản; có chính sách hỗ trợ khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch…

HẢI LĂNG

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp