Từ 7h sáng 10/11, Khánh Hòa có mưa to, một số nơi ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, ngập cục bộ.
Theo ông Lê Hồng Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, sự cố nổ trạm biến áp sáng nay khiến 5 xã Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Phước, Vạn Thọ và Đại Lãnh bị mất điện.
“UBND huyện đã bố trí người túc trực tại các điểm xung yếu để cảnh báo người dân. Huyện đã sơ tán 52 hộ dân ở khu vực chân đèo Cả đến nơi an toàn để tránh, trú bão”, ông Phương nói.
Cây đổ do bão số 12 ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, sáng 10/11. Ảnh: An Bình. |
Chiều 9/11, UBND huyện Vạn Ninh vận động hơn 2.000 lao động đang làm việc tại các lồng, bè vào bờ tránh bão. Địa phương này cũng cử lực lượng túc trực ở một số điểm để ngăn không cho người dân ra các lồng, bè nuôi thủy sản trên biển.
Tại tỉnh Phú Yên, mưa lớn do bão số 12 khiến một số nơi bị ngập cục bộ, chia cắt giao thông trên quốc lộ 29 qua huyện Sông Hinh. Tại huyện Tây Hòa, nước lớn đã làm ngập 2 cầu Bến Củi và Bến Trâu khiến giao thông bị chia cắt một số nơi ở xã Hòa Mỹ Đông và Hòa Mỹ Tây. Hiện, cả thị xã Đông Hòa và huyện Đồng Xuân bị mất điện.
Sáng 10/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 12 có xu hướng mạnh lên khi đạt sức gió cấp 9, giật cấp 12. Lúc 4h, tâm bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.
Những giờ tới, bão đi theo hướng tây với vận tốc 10-15 km/h và tiến vào đất liền các tỉnh ở Nam Trung Bộ, tâm bão quét thẳng qua Khánh Hòa. Sau đó, hình thái này suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Một số nơi ở huyện Vạn Ninh bị ngập cục bộ. Ảnh: An Bình. |
Lúc 16h ngày 10/11, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực phía nam Tây Nguyên, với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Ảnh hưởng của bão số 12, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và An Nhơn (Bình Định) đã quan trắc được sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa, mưa lớn suốt đêm qua với lượng 50-150 mm.
Di dời dân trên lồng bè vào bờ tránh bão số 12Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu lực lượng chức năng vận động tất cả ngư dân trên các lồng bè vào bờ để tránh bão Etau. |