Câu hỏi đặt ra là, tại sao các cán bộ này lại được giao “đất vàng” đường biển Phạm Văn Đồng (TP.Nha Trang) mà không phải là vị trí khác? Và chủ trương giao đất cho cán bộ luân chuyển từ đâu ra?
Giao “đất vàng” cho 3 cán bộ lãnh đạo
Dự án cơ sở hạ tầng Khu dân cư 32-33 Vĩnh Thọ (mặt tiền đường biển Phạm Văn Đồng) có 71 lô đất tái định cư với tổng diện tích trên 4.000 m2 để bố trí cho các hộ dân, trong đó có 9 trường hợp không thuộc diện tái định cư tại chỗ. Các lô đất được UBND TP.Nha Trang giao cho 3 cán bộ trên nằm trong số đó. Việc giao đất cho 3 cán bộ này có thu tiền sử dụng đất cao gấp 2,5 lần. Theo đó, ông Hà được giao lô đất gần 59m2 mặt tiền đường Phạm Văn Đồng. Ông Quyền được giao lô đất hơn 46m2 với 2 mặt tiền đường Phạm Văn Đồng. Ông Thái được giao 51m2 có vị trí 2 mặt tiền đường Phạm Văn Đồng rộng 26m và đường nội bộ rộng 10m.
Trả lời về việc giao đất trên căn cứ vào quy định nào của pháp luật về đất đai, ông Thái không nói theo quy định nào nhưng khẳng định: “UBND TP.Nha Trang giao đất cho 3 cán bộ, trong đó có tôi là đúng quy định, đúng thẩm quyền. Tôi được giao đất cũng đúng đối tượng chứ chẳng có gì sai cả”. Theo ông Thái, ông có 1 ngôi nhà ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) không ai ở. Ông chuyển vào TP. Nha Trang công tác mấy chục năm qua, ở tại chung cư Lê Hồng Phong. “Do tôi thấy cần ổn định cuộc sống lâu dài nên mới xin các đồng chí lãnh đạo...” - ông Thái nói. Theo ông Thái thì nhận đất xong, ông để đất đó chứ chưa xây nhà vì chưa có tiền. Điều đáng nói là dự án cơ sở hạ tầng Khu dân cư 32-33 Vĩnh Thọ cấp đất cho các cán bộ nói trên dù có thu tiền sử dụng đất với giá cao, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường hiện nay (thời điểm các cán bộ nộp tiền sử dụng đất chỉ hơn 30 triệu đồng/m2).
Chủ trương ở đâu ra?
Theo tìm hiểu, dự án cơ sở hạ tầng Khu dân cư 32-33 Vĩnh Thọ (TP.Nha Trang) được phê duyệt khu nhà phố có diện tích từ 46-68m2, tầng cao từ 3-5 tầng với chiều cao tối thiểu 16m để bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân. Vì nằm ngay trên đường biển Phạm Văn Đồng, nên ngay sau khi được bàn giao đất, khu đất này mọc lên hàng loạt quán nhậu phục vụ khách du lịch, thu lại lợi nhuận cao mỗi ngày.
Năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương giao đất cho cán bộ điều động, luân chuyển để ổn định cuộc sống lâu dài. Những cán bộ của tỉnh được điều động, luân chuyển đến công tác tại các huyện, thị xã, thành phố, nếu có nhu cầu đất ở sẽ được xem xét giao đất. Điều kiện bắt buộc là thời gian công tác tại nơi được điều chuyển phải từ 3 năm trở lên. Tuy vậy, trước đó, năm 2009, HĐND tỉnh Khánh Hòa ban hành nghị quyết quy định một số chế độ, chính sách đối với cán bộ được luân chuyển, cán bộ được điều động để thực hiện công tác luân chuyển, cán bộ tăng cường (biệt phái) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì chính sách giao đất cho cán bộ luân chuyển hoàn toàn chưa có: “Riêng cán bộ luân chuyển, cán bộ được điều động để thực hiện công tác luân chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh được hưởng chế độ hỗ trợ này không quá 3 năm, trừ chế độ hỗ trợ tiền thuê nhà công vụ được hưởng trong suốt thời gian thực hiện luân chuyển, hoặc cho đến hết thời hạn giữ chức vụ đã được bổ nhiệm, bầu cử nếu chưa có nhà ở riêng”.
Như vậy, thời điểm năm 2009, cán bộ luân chuyển chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ là nhà ở công vụ, xăng xe đi lại, hỗ trợ hàng tháng (ngoài lương và phụ cấp hiện hưởng). Sau khi Ban thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương giao đất cho cán bộ luân chuyển, từ năm 2015 đến nay, không chỉ 3 cán bộ nói trên mà nhiều cán bộ luân chuyển cũng được hưởng chính sách này.