Buổi Hội nghị Chính quyền đối thoại với doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa diễn ra chiều qua, 19/12 đã diễn ra trong sự bất mãn, căng như dây đàn của nhiều doanh nghiệp.
Nghịch lý muốn nộp phạt để triển khai dự án cũng không xong
Có mặt từ rất sớm, đại diện Tập đoàn Crystal Bay- một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng với lượng khách Nga chiếm 70% ở Khánh Hòa, kiên nhẫn lắng nghe những tâm tư của nhiều doanh nghiệp đồng cảnh ngộ.
Chờ đến cuối giờ, ông mới giơ tay xin phát biểu với lời chia sẻ điềm tĩnh: “100% các dự án đầu tư tại tỉnh vì nhiều lý do đều bị trễ thời hạn đầu tư. Chúng tôi đã bỏ tiền ra mua lại một số dự án chậm tiến độ để hồi sinh dự án, nhưng giờ, vì chính sách, nó cứ nằm im, nằm im mãi và chúng tôi không biết phải chờ đến bao giờ”.
Theo vị đại diện này, vài năm trước, Crystal Bay đã đầu tư vào một số dự án du lịch thông qua hình thức mua lại phần vốn góp của chủ sở hữu. Ví dụ như dự án của công ty TNHH Trầm Hương, dự án khu du lịch Riviera Resort ở Bãi Dài, mua lại phần góp vốn công ty Nam Hùng Cam Ranh…
“Đó cũng là các dự án bị chậm tiến độ đầu tư. Các cơ quan chức năng cũng đã thanh tra, kiểm tra, phạt chậm tiến độ. Chúng tôi nộp phạt và đến nay, đã và đang triển rất khai thành công các dự án này. Thế nhưng, bây giờ câu chuyện lại hoàn toàn khác”, vị đại diện này cho biết.
Theo ông, gần đây, Crystal Bay tiếp tục mua lại các dự án chậm trễ khác, ví dụ như ở khu vực núi Cô Tiên. Sau đó, ông cũng đã kiểm tra, đối chiếu với định hướng quy hoạch của Sở Xây dựng thì thấy phù hợp. Thế nhưng, mọi hồ sơ thiết kế cơ sở… của các dự án này gửi lên Sở Xây dựng đều bị trả về, không xem xét. Lý do được Sở đưa ra là do các dự án trễ thời hạn đầu tư.
Ông đề nghị: “Tỉnh nên thông qua chính sách chung nào đó để giải phóng môi trường đầu tư, không để bị đình trệ, gián đoạn. Những doanh nghiệp đã được cơ cấu lại, tăng vốn, có vốn mới mà chứng minh được năng lực triển khai dự án thì cho phép doanh nghiệp được nộp phạt và triển khai tiếp”.
“Nếu tình hình tắc nghẽn cơ chế chính sách như hiện nay, dự án không triển khai được thì chúng tôi không biết nói sao với các cổ đông đã góp vốn”, ông giãi bày.
Tương tự như vậy, một loạt các doanh nghiệp khác cũng bị kẹt cứng với các dự án đầu tư.
Ông Trần Thanh, một trong những chủ đầu tư tham gia góp vốn ở các dự án biệt thự khu vực Núi Cô Tiên, cho biết: “Hiện nay, phía Tây Nha Trang đã bị quá tải, chật chội. Tỉnh Khánh Hòa và Thành phố Nha Trang đã có chủ trương sắp xếp lại để dãn dân ra các khu vực lân cận. Và đó là lý do, nhiều nhà đầu tư đã lập dự án ở phía Bắc Nha Trang, núi Cô Tiên, nơi vẫn còn sơ khai, nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt, quy hoạch 1/2000 cũng đã được tỉnh xem xét từ đầu năm 2018”.
Tin tưởng vào định hướng phát triển chung của tỉnh, ông Thanh đã bỏ vốn để đầu tư. Thế nhưng đến nay, không hiểu vì lý do gì, tỉnh và Sở Xây dựng không xem xét bất cứ dự án nào được trình lên.
Không điểm tĩnh như các đại diện trên, đại diện công ty TNHH Tân Thành rất bất bình với cách làm việc của Sở và tỉnh trong việc giải quyết dự án 103 Thống Nhất. Thậm chí, ngay giữa hội nghị, vị chủ doanh nghiệp giơ một xập giấy tờ lên và gay gắt “tố” Giám đốc Sở Xây dựng đã đưa thông tin không đúng và không báo cáo lên Chủ tịch tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực như khai khoáng, du lịch… cũng bày tỏ nhiều bức xúc trong chính sách thuế, cho thuê đất, thu hồi đất của tỉnh.
Có sự hiểu nhầm giữa các Sở, trách nhiệm thuộc về ai?
Trước nỗi bức xúc của nhiều doanh nghiệp, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường bày tỏ: “Vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền cấp trên thì kiến nghị với cấp trên, còn nếu thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh thì đề nghị tỉnh xem xét tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp”.
Theo ông Thái, trong các văn bản quy định hiện nay có những mâu thuẫn mà chúng ta không giải thích được với nhau. Nhiều khi, cơ quan NN như là tội đồ. Quy định ban hành rồi thì chấp hành đã, còn chưa phù hợp thì ta kiến nghị. Nhưng vì thế mà làm mất thời gian của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải chờ đợi. Tôi rất chia sẻ với DN các vấn đề này và bản thân chúng tôi cũng không muốn mất thời gian như vậy”.
Trên thực tế, theo ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay, Thành phố Nha Trang đang xin ý kiến tạm dừng cấp phép xây dựng và tỉnh đã chỉ đạo xem xét. Quy hoạch kết cấu hạ tầng Tp Nha Trang ban hành từ 25/9/2012, đến nay đã 6 năm, cần phải điều chỉnh.
“Chỗ nào cần cho phép 40 tầng, chỗ nào cho phép 30 tầng thì phải nghiên cứu. Do đó, Sở Xây dựng vẫn đang nghiên cứu”.
Về dự án đầu tư, ông Dẽ cho hay: “Cơ quan quản lý chỉ phê duyệt dự án đầu tư trong 1 thời gian nhất định. Những dự án phê duyệt từ giai đoạn 2011-2013 mà đến 2018 không làm, chậm tiến độ thì phải xử lý thu hồi”.
Tuy nhiên, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư lại cho rằng: “Cách hiểu của các Sở là chưa chuẩn. Sở KHĐT có lập báo cáo tỉnh dánh sách các dự án chậm tiến độ. Nhưng khi doanh nghiệp làm thủ tục hành chính ở các Sở khác mà dựa vào danh sách này để cho rằng, đang trong diện xem xét thu hồi, không giải quyết các thủ tục khác là cách hiểu không đúng”.
“Chúng ta làm sao phải để các dự án được triển khai. Doanh nghiệp chứng minh được dự án đang hoạt động trở lại, có năng lực mà gặp vướng mắc thì sẽ báo cáo tỉnh xem xét”, ông Nam nói.
Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh cho rằng, tỉnh không can thiệp sâu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng vẫn nhấn mạnh quan điểm đối với các dự án đầu tư thì phải được xem xét kỹ. Ông cũng không giải thích lý do vì sao lại tạm dừng việc chuyển nhượng, điều chỉnh vốn cổ đông ở các dự án đầu tư ngoài ngân sách bị chậm tiến độ.
Trao đổi bên lề hội thảo, nhiều doanh nghiệp than phiền, chủ tịch tỉnh vẫn chỉ nói về việc hứa hẹn tiếp thu và sẽ giao các sở ngành giải quyết. Nhưng khi chất vấn sâu, thời hạn bao giờ các vấn đề được giải quyết, ví dụ như vì sao tỉnh không phê duyệt quy hoạch 1/2000 núi Cô Tiên thì ông Vinh chỉ nói vòng quanh “đã giao Sở Xây dựng làm” và không trả lời thẳng về thời hạn giải quyết.