Ngoái lại người chồng đang đờ đẫn đứng nhìn theo, bị cáo N.T.C (sinh năm 1968, trú TP. Nha Trang) gạt nước mắt đi ra, bỏ lại đằng sau gia đình với bao lo toan dang dở. Bản án 2 năm 9 tháng tù về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hậu quả mà C. phải gánh chịu do nhắm mắt làm liều khi gặp biến cố.
Trước tòa, C. thành khẩn khai nhận mọi hành vi phạm tội nhưng không hề nêu nguyên nhân phạm tội. Chỉ khi chồng C. đứng lên nói, C. mới bật khóc rưng rức. Dường như, lúc này C. đã không còn kìm nén được sự tủi thân.
Vợ chồng C. là dân lao động nghèo. Cuộc sống dẫu chật vật, nhưng chỉ cần còn sức khỏe, sống tằn tiện vẫn được. Biến cố xảy đến khi chồng C. bị tai biến, nằm một chỗ. Bấy lâu làm lụng chẳng dư đồng nào, nên khi nhà có chuyện, C. đành đi vay nóng. Hạn trả nợ tới rất nhanh. Các đối tượng tới nhà thúc ép. C. quay cuồng chạy vạy mà không ra. Đúng lúc đó, C. gặp H. (không rõ lai lịch) ở quán cà phê. Nhanh chóng nhận ra C. có chuyện buồn, H. tiếp cận, sốt sắng tư vấn: muốn có tiền nhanh, chỉ còn cách thế chấp giấy tờ nhà. Trong lúc quẫn bách, C. nhớ tới căn nhà thuê: nếu “linh hoạt” vẫn có thể cầm thế được. Và C. đã nhờ H. giúp làm giả giấy tờ, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu theo địa chỉ nhà thuê, đứng tên thường gọi của C. Có đủ hồ sơ “hợp pháp”, C. mang đi cầm thế và còn dẫn người cho cầm thế đến tận nơi xem “nhà C.” để vay được 30 triệu đồng trong 2 tháng. Nhưng, 2 tháng cũng không phải thời gian dài. Đến hạn, không thấy C. trả cả gốc và lãi, người chủ cầm thế đi tố cáo.
Chồng C. rưng rưng cho biết, khi anh bị tai biến, C. phải đi vay nóng để có tiền chữa trị. Vừa chăm chồng, C. vừa tranh thủ đi làm thuê làm mướn, từ phục vụ quán phở, đến dọn nhà thuê... Nhưng tiền làm công, lo ăn còn chẳng đủ, sao trả được nợ! Cho đến khi chồng C. vừa đứng dậy được, khoản nợ đã tăng thành hai chục triệu đồng. Nhóm đòi nợ tới tận nhà, khóa cửa, chế keo không cho ai vào... C. khóc rưng rức, nói như trút tâm can: “Mấy người cho vay đòi chém, đòi giết, tôi tính đi trốn, nhưng còn gia đình thì sao? Ban đầu, tôi tính liều theo cách H. bày để mượn tạm 1 - 2 tháng rồi xoay tiếp, nào ngờ…”.
Vị hội thẩm phân tích, rơi vào hoàn cảnh cùng quẫn quả là đáng thương, nhưng bị cáo vẫn có thể tìm những cơ hội hợp pháp để hỗ trợ cho mình, như liên hệ với hội phụ nữ xin trợ giúp, nhờ các phương tiện thông tin kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ... Đằng này, bị cáo lại tin tưởng nghe theo lời khuyên của một đối tượng không rõ lai lịch để làm chuyện phạm pháp. Bị cáo nói chỉ mượn tạm, làm tạm là ru ngủ bản thân; cốt vay cho được khoản tiền vừa đủ trả nợ và trả công 10 triệu đồng cho H. Giờ đây, tuy bị cáo đã phải vay tiền lần nữa để khắc phục hết 30 triệu đồng, nhưng hành vi phạm tội đã hoàn thành nên vẫn bị xử lý. Hoàn cảnh khốn khó thử thách bản lĩnh con người. Người tỉnh táo sẽ tìm cách tháo gỡ mà không vi phạm pháp luật. Trong vụ án này, từ biến cố ban đầu, do thiếu tỉnh táo, bị cáo đã liên tiếp gây ra những sai lầm mới, đẩy mình vào vòng lao lý, để chồng con xoay xở sống khi sức khỏe đang giảm sút... Nghe tòa phân tích, bị cáo C. chỉ khóc ròng.
TAM THUẬT