Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch hành động hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm: Thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm.
- Xin ông cho biết một số nội dung chính của kế hoạch?
- Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là mọi người dân và doanh nghiệp (DN) đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: Người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh.
Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025: Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại NH hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại NH hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030. Ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của NH thương mại/100.000 người trưởng thành; 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý NH, ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của NH Chính sách xã hội); 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng năm; ít nhất 6.000 DN nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng. Dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn/tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%; doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP là 3,5%; ít nhất 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của NHNN Việt Nam.
Hiện nay, toàn tỉnh có 180 điểm giao dịch của các NH thương mại. Đến cuối tháng 12-2019, số tài khoản thanh toán cá nhân trên địa bàn là 1.001.117; toàn tỉnh có 343 máy ATM và 4.412 thiết bị POS, phát hành 1.022.00 thẻ ATM; đạt hơn 6,2 triệu giao dịch qua POS với giá trị 14.180 tỷ đồng (tương ứng tăng 61,09% và 22,62% so với cùng kỳ năm 2018); có 13,9 triệu giao dịch qua ATM với giá trị 41.930 tỷ đồng (tương ứng tăng 9,91% và 11,38% so với cuối năm 2018). Năm 2019, có 3.280 DN nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng, tỷ lệ tăng trưởng 16,89%. Đến cuối năm 2019, tổng dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn 25.860 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng dư nợ toàn tỉnh… Như vậy, một số chỉ tiêu hiện đã đạt được, một số chỉ tiêu cần tiếp tục phấn đấu để đạt được.
- Để đạt được mục tiêu đề ra cần triển khai thực hiện tốt những giải pháp gì, thưa ông?
- Kế hoạch xác định 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện. Đó là, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho người dân và DN tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, chi phí hợp lý. Trong đó, triển khai từng bước hoạt động đại lý NH; đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ NH số, tài chính số cho người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện. Đặc biệt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích các NH cung cấp tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu, có tính năng hạn chế, liên kết với thẻ ATM cho người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội, người già, người nghèo, học sinh, sinh viên và những đối tượng yếu thế phù hợp khác; phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”. Đồng thời, hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, tạo điều kiện giảm phí giao dịch, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tài chính toàn diện; giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính và các giải pháp hỗ trợ khác.
- Xin cảm ơn ông!
N.D (Thực hiện)