Để tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản, chuyển từ nghề cá lạc hậu sang hiện đại, phát triển bền vững, Chi cục Thủy sản đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành với ngư dân bám biển.
Từng bước hiện đại hóa
Mới đây, Chi cục Thủy sản phối hợp với Hải đoàn 129 tuyên truyền các quy định liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản, nhất là việc thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định đến các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh. Một trong những hoạt động ý nghĩa tại buổi tuyên truyền là đơn vị đã tặng cờ Tổ quốc và áo phao cho hơn 200 tàu cá xa bờ. Trước đó, Chi cục Thủy sản đã tổ chức lễ trao 1.000 lá cờ và 6 tủ thuốc cho ngư dân thuộc 6 nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn TP. Nha Trang, với 978 tàu cá xa bờ. “Tuy phải đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp nhưng khi nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay, chúng tôi lại thêm vững tin, yên tâm bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ngư dân Lê Văn Hùng - Hòn Rớ (TP. Nha Trang) chia sẻ.
Với tiềm năng, lợi thế của một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước, Khánh Hòa có đội tàu khai thác xa bờ khá lớn, với hơn 1.300 chiếc, thường xuyên tham gia đánh bắt ở các vùng biển xa như: Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1. Để động viên ngư dân vươn khơi bám biển, những năm qua, tỉnh đã cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, giúp ngư dân hiện đại hóa tàu cá. Đến nay, toàn tỉnh có thêm 36 tàu cá được đóng mới, hoán cải theo Nghị định 67 và Nghị định 17 của Chính phủ. Ngoài ra, ngư dân còn được tạo điều kiện, hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ trong khai thác, bảo quản nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt. Đơn cử như việc đầu tư các trang thiết bị khai thác, đến nay, các tàu nghề lưới vây, lưới rê khơi đều được trang bị 1 - 2 máy thu lưới, có tời, cẩu để kéo lưới; nhiều tàu câu cá ngừ đại dương được trang bị máy thu câu công nghệ Nhật Bản, ứng dụng đèn LED để tập trung dụ cá… Ngoài ra, các trang thiết bị hàng hải đảm bảo an toàn, hiệu quả khi khai thác trên các vùng biển xa cũng đã được trang bị trên đội tàu cá xa bờ trong tỉnh…
Hạn chế lớn nhất trong ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản hiện nay là tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch khá lớn. Để từng bước giải quyết vấn đề này, nhiều chủ tàu đã được các cơ quan quản lý hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn để nâng cấp hầm bảo quản như: Bơm form, phủ composite hoặc inox toàn bộ diện tích hầm để đảm bảo độ lạnh; tìm hiểu, phổ biến cho ngư dân chuyển sang sử dụng công nghệ bảo quản bằng băng lỏng… Đặc biệt, với sự kết nối của ngành thủy sản, 3 chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương đã được hình thành. Trên cơ sở đó, ngư dân được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm đạt chuẩn, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, thu nhập từ khai thác thủy sản ổn định hơn. Nhờ đó, các chuỗi liên kết này đã thu hút được 150 tàu cá xa bờ tham gia.
Phát triển nghề cá có trách nhiệm
Việc khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) liên quan đến các khuyến nghị về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (quy định IUU) thời gian qua đã giúp cho nghề cá Khánh Hòa từng bước chuyển mình từ nghề cá vốn lạc hậu sang hiện đại, phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm. Chuyển biến đầu tiên phải kể đến là nhận thức của ngư dân đã theo hướng tích cực, thay vì chạy theo lợi nhuận của từng chuyến biển, vi phạm vùng biển nước ngoài hay khai thác loài cấm… Từ tháng 10-2017 đến nay, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài; không tàu cá nào vi phạm việc khai thác loài cấm; việc ghi, nộp nhật ký khai thác đã được các tàu cá thực hiện nghiêm túc…
Ngư dân Nguyễn Phi Long (Hòn Rớ, Nha Trang) chia sẻ: “Thẻ vàng của EC đã tác động mạnh đến ngành khai thác thủy sản trong tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống ngư dân. Ngành thủy sản tỉnh, lực lượng biên phòng đã liên tục đồng hành với ngư dân, phổ biến, cập nhật nhiều kiến thức liên quan đến quy định IUU. Nhờ đó, chúng tôi nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình khi khai thác trên biển, khai thác phải gắn liền với trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trước khi ra vào cảng đều khai báo đầy đủ, thậm chí chúng tôi còn cam kết với cơ quan quản lý không để tàu cá của mình vi phạm quy định IUU. Ngoài ra, trong quá trình khai thác, các tàu cá còn hỗ trợ, nhắc nhở nhau không vi phạm vùng biển nước ngoài…”.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Để thực hiện được mục tiêu phát triển ngành khai thác thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, phát triển toàn diện và bền vững, chúng tôi chú trọng việc hỗ trợ ngư dân tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chuyển dần từ đội tàu công suất nhỏ sang nghề cá hiện đại với đội tàu công suất lớn, trang bị đầy đủ ngư cụ, thiết bị hàng hải tiên tiến; đẩy mạnh chuyển giao, hỗ trợ ngư dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, bảo quản để nâng cao hiệu quả chuyến biển. Đặc biệt, ngành đang tập trung tuyên truyền để ngư dân nhận thức được trách nhiệm của mình, khai thác phải đảm bảo tính bền vững, kết hợp với bảo vệ nguồn lợi, tuân thủ các quy định của cộng đồng quốc tế. Phấn đấu đến năm 2035, tỷ trọng ngành thủy sản (chủ yếu là khai thác) chiếm 63% trong cơ cấu toàn ngành nông nghiệp, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng 3 - 4% mỗi năm, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống cho ngư dân”.
HẢI LĂNG