Hình mẫu của kinh tế tập thể

Thứ hai - 14/09/2020 15:34
Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước (HTX Vĩnh Phước) ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa là hình mẫu tiêu biểu của kinh tế tập thể. Nổi bật trong các tổ sản xuất của HTX là Tổ dệt chiếu - đơn vị được UBND tỉnh khen thưởng năm 2019.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Hình mẫu của kinh tế tập thể
Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước (HTX Vĩnh Phước) ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa là hình mẫu tiêu biểu của kinh tế tập thể. Nổi bật trong các tổ sản xuất của HTX là Tổ dệt chiếu - đơn vị được UBND tỉnh khen thưởng năm 2019.
 
Những người thợ khéo léo, cần mẫn
 
Chúng tôi gặp chị Đỗ Thị Bích Đông, thành viên Tổ dệt chiếu của HTX Vĩnh Phước bên khung dệt. Đôi tay khéo léo, thoăn thoắt, lành nghề, chị cho biết, mỗi khung dệt có 2 người cùng làm việc để dệt ra những tấm chiếu có kích cỡ và màu sắc khác nhau. Mỗi ngày, 2 người dệt được 10 đến 12 tấm chiếu có chiều rộng 0,9m, dài 1,4m.

 

Tấm chiếu tinh xảo dùng để tạo ra nhiều sản phẩm xinh xắn.
Tấm chiếu tinh xảo dùng để tạo ra nhiều sản phẩm xinh xắn.
 
Ban đầu, khi nghe đến từ dệt chiếu, chúng tôi vẫn nghĩ đó là những tấm chiếu hoa xinh xắn, được người dùng mua về để trải giường hay sàn nhà, nhưng đây không phải loại chiếu như vậy. Chiếu ở đây được làm chủ yếu từ lá buông, một loại lá như lá cọ. Người ta dùng từng sợi buông đan dệt vào nhau, thành từng tấm có hoa văn khác nhau. Những tấm chiếu này, giống như tấm vải, tấm da, được chuyển qua tổ cắt, cắt ra theo hình thù đặc trưng để tạo nên những chiếc túi, giỏ xách, khay đựng… xinh xắn.
 
Bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng phòng Nhân sự, HTX Vĩnh Phước cho biết, Tổ dệt chiếu có 5 thành viên. Các thành viên trong tổ luôn chấp hành tốt các nội quy của đơn vị, lao động có năng suất cao, sản phẩm dệt ra có chất lượng tốt, ổn định, đẹp, được thị trường chấp nhận.
 
Không chỉ dệt nên những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt, các thành viên Tổ dệt chiếu còn đảm nhận vai trò dệt mẫu, để các lao động dệt gia công bên ngoài nhìn vào đó dệt theo đơn đặt hàng. “Hoa văn, phong cách, hình thức và cách dệt từng tấm chiếu luôn có sự thay đổi nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Chính vì thế, các thành viên Tổ dệt chiếu luôn phải học hỏi, thay đổi để thích ứng với đòi hỏi của công việc”, bà Phương cho biết.
 
Đưa sản phẩm đến hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ
 
HTX Vĩnh Phước từ lâu không chỉ là một điển hình về kinh tế tập thể của tỉnh, đây còn là hình mẫu được nhắc đến nhiều trên cả nước về sự đổi thay, phát triển vượt bậc. Được thành lập từ năm 1978, trải qua không ít thăng trầm với rất nhiều gian khó mà mô hình kinh tế tập thể gặp phải, bằng nỗ lực, ý chí và sự đổi thay mạnh mẽ, đặc biệt là việc xác định sản xuất ra các mặt hàng thủ công tinh xảo, đặc trưng với định hướng thị trường xuất khẩu đi châu Âu, ngay từ những năm 1990, những chiếc giỏ xách xinh xắn của HTX Vĩnh Phước đã có mặt tại nhiều nước Đông Âu.
 
Khi nền kinh tế thị trường mở ra, đứng trước nhiều khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi, các thành viên HTX Vĩnh Phước vẫn cùng nhau nỗ lực, tiếp cận với hình thái kinh tế tập thể kiểu mới, thách thức rất nhiều nhưng cùng với đó cơ hội cũng mở ra nhiều hơn.
 
Theo ông Ngô Văn Nhân - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Vĩnh Phước, từ khi chuyển đổi hình thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc và công cụ sản xuất, tổ chức đào tạo công nhân, tạo ra những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, chủ động khai thác nguồn nguyên vật liệu trong nước, thậm chí sang một số nước bạn, tổ chức sáng tác thay đổi mẫu mã liên tục, đồng thời tìm kiếm đối tác thông qua các công ty thương mại và các công ty nước ngoài để giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
 
Đến nay, sản phẩm của HTX Vĩnh Phước đã có mặt ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh thu năm 2019 của HTX đạt hơn 70 tỷ đồng. Hơn 80% doanh thu này đến từ việc xuất khẩu sản phẩm, phần lớn là sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Anh, Pháp. HTX không chỉ giải quyết việc làm ổn định cho 50 lao động trực tiếp, mà còn tạo nên một hệ sinh thái cả về nguồn cung cấp nguyên vật liệu đan bện và tạo ra được khoảng 5.000 lao động gia công cho HTX trong và ngoài tỉnh.
 
“Là một đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm có nguyên liệu được làm từ bẹ chuối, lá buông, lục bình, mây, tre, lá nứa…, phương thức tạo ra sản phẩm hầu hết là đan, tết, bện…, sản phẩm của HTX Vĩnh Phước luôn được thị trường, đặc biệt là thị trường cao cấp ưa chuộng bởi yếu tố thủ công và thân thiện môi trường. Thời gian tới, cùng với việc tập trung tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng, đặc trưng, HTX Vĩnh Phước sẽ tiếp tục mở rộng liên kết với các đối tác từ khâu nguyên liệu đến việc đưa sản phẩm ra thị trường, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung cũng như khẳng định hướng đi đúng đắn của kinh tế hợp tác”, ông Ngô Văn Nhân chia sẻ.
 
Hồng Đăng
 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp