Hệ thống kênh tràn xả lũ hồ Am Chúa nằm trên địa bàn xã Diên Điền (huyện Diên Khánh) hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân.
Những năm qua, hệ thống kênh tràn xả lũ dẫn nước từ hồ Am Chúa đã góp phần quan trọng vào việc cung cấp nước phục vụ sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, hệ thống kênh này đã bị xuống cấp, không đảm bảo khả năng tiêu nước, gây tràn bờ, sạt lở, bồi lấp và ngập úng.
Có mặt tại xã Diên Điền, chúng tôi chứng kiến tuyến kênh chính từ hồ Am Chúa đi qua cánh đồng Lũ Súng, Ông Phong, Bầu Lùng, Cây Muồng… đều bị xuống cấp, hai bên cây cối mọc um tùm. Thành kênh một số đoạn bị sạt lở, trụ móng của 2 cầu tràn (cầu Đất và cầu Cây Dừa) bị nứt, lún, một số đoạn thành kênh bị san bằng với ruộng lúa… Chính vì vậy, mỗi lần hồ xả lũ nước lại chảy tràn vào những chân ruộng ở 2 bên rìa kênh, gây nên tình trạng ngập úng và bồi đất.
Ông Ngô Hớn, thôn Đông 2, xã Diên Điền cho biết: “Năm 2018, hồ xả lũ nước thoát không kịp, đã phá bờ, tràn vào ruộng làm 4ha rau màu của Hội Cựu chiến binh xã bị ngập úng, hỏng cả 2 đợt giống nên Tết này không có rau để bán. Riêng gia đình tôi có 600m2 đất gần hồ đã bỏ hoang 6 năm nay. Trước đây, gia đình tôi trồng lúa, rau màu. Sau khi có kênh, mỗi lần xả lũ nước ngập bồi lấp, gia đình tôi mất 1,5 triệu đồng thuê máy múc đất lên nhưng đâu lại vào đấy. Làm liên tục 3 lần như vậy, tốn kém quá nên bây giờ gia đình tôi bỏ hoang. Riêng 900m2 đất trồng lúa nằm giữa kênh thì năm nào cũng sạ đi sạ lại 2 - 3 lần. Tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri của tỉnh, huyện, chúng tôi đều phản ánh, kiến nghị, các đại biểu ghi nhận nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư nâng cấp”.
Theo ông Huỳnh Văn Sự - thôn Đông 1, vụ mùa vừa qua, gia đình ông có 1.500m2 đất trồng lúa bị ảnh hưởng; trong đó một phần diện tích nước ngập úng không sạ được, giống bị hỏng, một nửa sạ được vài tuần nước tràn vào nên bị ngập chết hết… Có đám, hôm trước ông vừa mới sạ, hôm sau nước tràn vào bồi lấp hoàn toàn, ông phải thuê máy cào đất cát lên rồi mướn công sạ lại. “Những ruộng lúa nằm gần kênh này, chi phí đầu tư lúc nào cũng cao gấp 2 - 3 lần so với các ruộng lúa khác. Tỉnh cần sớm quan tâm đầu tư nâng cấp kênh xả lũ giúp dân chứ đà này chúng tôi bỏ ruộng luôn quá”, ông Sự nói. Tìm hiểu được biết, riêng năm 2018, tổng diện tích ruộng lúa của xã bị ảnh hưởng khoảng 80ha; trong đó 30ha bị ảnh hưởng khoảng 50% phải dặm lại, 50ha bị bồi lấp, ngập úng hoàn toàn, phải sạ lại 2 - 3 lần. Chưa kể, có khoảng 3ha người dân bỏ hoang 6 - 7 năm nay do đất bồi lấp không thể trồng trọt được.
Theo ông Nguyễn Gia Hấn - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Diên Điền 2, hàng năm Hợp tác xã nông nghiệp Diên Điền 2 đều tổ chức khơi thông dòng chảy kênh xả lũ. Một số đoạn bị sạt lở nghiêm trọng được kè tạm bằng cọc tre và đắp bờ bao, đan vỉ, chắn bạt. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế để kênh không bị sạt lở vào ruộng và giữ cầu cho dân đi lại. Xã mong muốn tỉnh quan tâm đầu tư và chỉ đạo các đơn vị liên quan nạo vét lòng kênh, gia cố những đoạn bị sạt lở, nâng cấp những đoạn bờ kênh thấp. Đối với những đoạn bị thắt nút cổ chai, cần mở rộng lòng kênh để nước không làm bứt phá thành. Riêng 2 cầu tràn, cần sửa chữa kiên cố bằng bê tông và đầu tư hệ thống van đóng mở, mùa lũ thì xả nước mà mùa khô thì đóng lại để giữ nước phục vụ tưới tiêu.
Ngoài ra, để phân chia dòng nước, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư kênh phân lũ từ hồ Am Chúa đấu nối ra kênh liên xã Sơn - Điền - Phú với chiều dài khoảng 2.000m. Tuy nhiên, đến nay tuyến kênh này mới thực hiện được khoảng 500m nên chưa đấu nối được vào kênh liên xã khiến việc phân lũ không đạt hiệu quả. “Từ nhiều năm nay, trong các kỳ họp HĐND và tiếp xúc cử tri các cấp, vấn đề hệ thống kênh hồ Am Chúa luôn được đưa ra bàn thảo, kiến nghị, đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm”, ông Hấn nói.
KHÁNH HÀ