Gỡ khó cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thứ hai - 10/06/2019 13:02
Hiện nay, các doanh nghiệp  vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn về vốn và nhân lực. Vì thế, cơ quan chức năng đang đề ra các chính sách ưu đãi nhằm giúp DN vừa và nhỏ vượt qua khó khăn.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Gỡ khó cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn về vốn và nhân lực. Vì thế, cơ quan chức năng đang đề ra các chính sách ưu đãi nhằm giúp DN vừa và nhỏ vượt qua khó khăn.

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Cơ khí Vina.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Cơ khí Vina.
 
Thiếu vốn và nhân lực
 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hết quý I/2019, toàn tỉnh có 425 DN đăng ký thành lập mới và 230 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động. Số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng nhanh đã nâng tổng số DN đăng ký lên gần 23.000 DN. Tuy nhiên, có hơn 97% đơn vị được thành lập là DN vừa và nhỏ nên các vấn đề về vốn và nhân lực đang là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển. 
 
Tại hội thảo do Sở Công Thương tổ chức mới đây, rất nhiều DN phản ánh khó khăn về vốn. Hiện, khoảng 70% DN vừa và nhỏ chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Vì vậy, nhiều DN phải tìm vốn thông qua việc huy động từ bạn bè, gia đình, thậm chí là thị trường “tín dụng đen”. Việc vay vốn từ thị trường “tín dụng đen” với mức lãi suất cao khiến không ít DN rơi vào bẫy phá sản.
Bà Lê Thị Trà Nữ - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đồng phục nDư (30B Bắc Sơn, TP. Nha Trang) cho biết: “Công ty đang muốn mở rộng, làm thêm 1 xưởng sản xuất nữa nên cần một số vốn rất lớn. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có đủ điều kiện để tiếp cận được vốn ngân hàng. Ngay cả những đơn vị tiếp cận được vốn ngân hàng thì vấn đề lãi suất cũng là rào cản khá lớn. Nếu làm ăn không suôn sẻ, bao nhiều lợi nhuận chỉ đủ trả lãi suất cho ngân hàng. Do đó, DN chúng tôi cũng như nhiều DN khác  phải rất cân nhắc khi vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh”. 
 
Theo các DN, nguyên nhân khiến các DN vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng là do nhiều DN chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn như: các phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh một cách rành mạch; vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế; công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo... Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn có nhiều thủ tục vay vốn phức tạp, các sản phẩm tín dụng dành cho DN vừa và nhỏ chưa phong phú; một số ngân hàng còn tồn tại tâm lý e dè, phân biệt đối xử khi quyết định cho DN vay vốn... cũng là những rào cản khiến các DN vừa và nhỏ hạn chế tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
 
Vấn đề nhân lực cũng là bài toán nan giải đối với các DN vừa và nhỏ. Đặc biệt, những đơn vị khối sản xuất kinh doanh, việc tìm kiếm lao động không dễ dàng, bởi lĩnh vực du lịch, dịch vụ đã thu hút một lượng lớn người lao động. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 28.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó lĩnh vực lưu trú khoảng 25.000 lao động, còn lại là lĩnh vực lữ hành. Dự báo trong thời gian tới, lao động trực tiếp trong ngành du lịch có sự tăng trưởng cao. Đến năm 2020, Khánh Hòa cần thêm khoảng 25.000 phòng khách sạn, với khoảng 26.000-27.000 lao động phục vụ. “Việc du lịch phát triển mạnh đã khiến cho các DN khối sản xuất thiếu nhân lực trầm trọng. Nhiều DN muốn mở rộng quy mô sản xuất, tăng đơn hàng nhưng không tìm được lao động. Thậm chí, những lao động có tay nghề tốt còn nhảy việc sang lĩnh vực du lịch để hưởng mức lương cao hơn. Đây là những khó khăn không dễ giải quyết”, ông Nguyễn Huy Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Mỹ Thuận (TP. Nha Trang) cho hay.
 
Tháo gỡ khó khăn
 
Để tháo gỡ những khó khăn các DN vừa và nhỏ đang gặp phải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều hỗ trợ. Một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã hạ lãi suất cho vay đối với các DN vừa và nhỏ để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, đây chỉ là những động thái ban đầu, muốn trợ giúp tốt hơn, cần có những chính sách tổng thể và dài hơi hơn.
 Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Để tháo gỡ khó khăn cho DN cần có những kế hoạch cụ thể, có sự chung tay của nhiều sở, ngành. Đặc biệt, khi xây dựng chính sách ưu đãi cho DN phải bám sát được khó khăn và nhu cầu thực sự của đa số DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, vấn đề cải cách hành chính, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho DN cũng phải được đặt lên hàng đầu”. 
 
Theo ông Nam, hiện những chính sách ưu đãi cho DN vừa và nhỏ đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo trình UBND tỉnh xem xét. Khi chính sách này được HĐND tỉnh thông qua sẽ góp phần giải quyết các khó khăn của DN một cách căn cơ, lâu dài. Trong đó, sẽ xây dựng đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ của tỉnh. Mục tiêu của đề án nhằm cấp bảo lãnh tín dụng cho các DN có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng. Sau khi được HĐND tỉnh thông qua, quỹ dự kiến được thành lập với vốn điều lệ khoảng 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ cũng hỗ trợ giá thuê mặt bằng để DN đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp. Mỗi DN được hỗ trợ tối đa 15% giá thuê trong vòng 5 năm. Tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí xây dựng hạ tầng với mức tối đa 250 triệu đồng đối với DN vừa và 150 triệu đồng với DN nhỏ.
 
Ngoài ra, hàng loạt chính sách khác như: hỗ trợ DN trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; hỗ trợ DN thực hiện chứng nhận công bố hợp chuẩn cho sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ DN xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm hàng hóa; giúp DN xác lập quyền sở hữu trí tuệ, khai thác, phát triển sở hữu trí tuệ; hỗ trợ DN ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xây dựng và thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng… cũng sẽ được áp dụng. Điều này hy vọng tạo nên những trợ lực mạnh mẽ giúp các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh thoát khỏi những khó khăn đang gặp phải.
 
ĐÌNH LÂM
 
 
 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp