Sau hơn một tháng dạy và học trực tuyến, các cơ quan quản lý giáo dục và giáo viên các trường đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng dạy và học.
Linh hoạt hình thức dạy và học
Từ ngày 13-9 đến nay, việc dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 được tổ chức theo 4 hình thức: Dạy học trực tuyến (online) có sự tương tác trực tiếp thông qua nền tảng Zoom, Teams, Google Meeting… hoặc hệ thống quản lý học tập LMS; dạy học qua truyền hình; dạy học qua sóng radio; gửi phiếu bài tập, tài liệu in tới cha mẹ học sinh (HS) qua email hoặc đường bưu điện, kết hợp với các phương thức hỗ trợ trực tuyến khác. Trong đó, học online là phương án được nhiều trường áp dụng. Tuy việc triển khai không đồng đều do những tác động khách quan như: Sóng, máy tính, sự hỗ trợ của gia đình... nhưng nhiều trường đã linh hoạt triển khai nhiều hình thức trong dạy và học.
Thầy Huỳnh Vĩnh Khang - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) cho biết, sau khi tìm hiểu các phần mềm dạy học trực tuyến do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề xuất, nhà trường đã lựa chọn phần mềm Google Classroom kết hợp với Google Meet để dạy học, giúp giáo viên tổ chức và quản lý lớp dễ dàng, thuận tiện; tất cả tài liệu, bài tập và điểm đều ở cùng một nơi (trong Google Drive). Giáo viên có thể lưu trữ toàn bộ tài liệu giảng dạy, video tham khảo, hình ảnh lớp học, điểm... ngay trên Drive của lớp học này và chia sẻ cho HS mà không phải bận tâm về không gian lưu trữ. Hình thức dạy học này sẽ giúp giảm tải lo lắng cho HS về vấn đề thiết bị. 2 phần mềm trên không đòi hỏi cấu hình máy sử dụng, vì vậy, với 1 chiếc điện thoại thông minh, HS vẫn có thể tham gia học được.
Theo đánh giá từ Sở GD-ĐT, nhằm đảm bảo 100% HS tham gia học trực tuyến, nhiều trường đã áp dụng nhiều hình thức, kỹ năng trong việc tương tác với HS để mỗi bài giảng được dễ hiểu, giúp các em nắm chắc kiến thức. Thời lượng, nội dung bài học cũng được xây dựng phù hợp đối với mỗi lớp học, bậc học. “Trường đã xây dựng 45 lớp học ảo, 3 lớp ảo song ngữ. Với những lớp có HS khó khăn, sử dụng điện thoại để học, chúng tôi đã bố trí lịch học ở những lớp 4 tiết/buổi, mỗi tiết cách nhau 10 phút để các em có thời gian sạc điện thoại, tránh trường hợp đang học mà điện thoại hết pin…” - thầy Khang nói.
Tiếp tục nỗ lực
Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua, các phòng GD-ĐT đã linh động trong việc chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến tại địa phương. Các trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ để triển khai việc dạy và học trực tuyến, bước đầu đi vào ổn định. Tuy nhiên, qua thống kê tổng hợp dữ liệu trên hệ thống, vẫn còn nhiều trường, đặc biệt là cấp THCS triển khai dạy học trực tuyến chưa đúng yêu cầu của Sở GD-ĐT như: Tổ chức phòng học ảo không thông qua hệ thống LMS (hệ thống LMS không ghi nhận được số lượt lên lớp của giáo viên và số lượt vào học của HS); không tạo đủ khóa học theo từng môn, từng lớp; vào đầu buổi, HS chỉ đăng nhập một khóa học để tham gia học tất cả các môn trong buổi; chưa khai thác hiệu quả chức năng hỗ trợ dạy học trực tuyến của hệ thống như tổ chức kiểm tra và hỏi đáp trên hệ thống…
Để triển khai việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả, sở đã yêu cầu các phòng GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo và đôn đốc các trường cập nhật đầy đủ dữ liệu dạy học lên hệ thống để thuận tiện cho việc tra cứu học tập của HS cũng như việc kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý. Đồng thời, sở chỉ đạo các trường rà soát để có phương án hỗ trợ phù hợp với HS khó khăn trong quá trình học trực tuyến... Mới đây, sở đã phối hợp với Quỹ Khuyến học, khuyến tài tỉnh tổ chức trao tặng 32 điện thoại thông minh cho 32 HS nghèo hiếu học với tổng kinh phí hơn 102 triệu đồng. Đây là các em mồ côi cha, mẹ; có cha, mẹ bị bệnh nặng; hoàn cảnh gia đình rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
THANH TRÚC