Gieo chữ ở Trường Sa

Thứ năm - 10/06/2021 13:38
Giữa muôn trùng xa, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, có những thầy giáo trẻ vẫn âm thầm gieo chữ nơi đảo xa. Để rồi, từ những lớp học yên bình giữa trùng dương ngân vang tiếng ê a của trẻ đánh vần hai chữ thiêng liêng: Trường Sa. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Gieo chữ ở Trường Sa

Giữa muôn trùng xa, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, có những thầy giáo trẻ vẫn âm thầm gieo chữ nơi đảo xa. Để rồi, từ những lớp học yên bình giữa trùng dương ngân vang tiếng ê a của trẻ đánh vần hai chữ thiêng liêng: Trường Sa.

Gác lại chuyện riêng…


Trong chuyến công tác đến các đảo, điểm đảo ở Trường Sa vừa qua, chúng tôi có dịp ghé thăm Trường Tiểu học xã Song Tử Tây. Hôm đó, chúng tôi chứng kiến thầy trò nơi đây đang say sưa dạy và học. Dáng người nhỏ nhắn, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (39 tuổi, quê xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) liên tục đi từ bàn này qua bàn khác hướng dẫn học sinh làm bài tập. Giờ nghỉ giải lao, những đứa trẻ vòng tay ngoan ngoãn chào khách rồi tung tăng chạy ào ra sân trường vui đùa hồn nhiên.

 

1

Một tiết dạy của thầy giáo Nguyễn Hữu Phú.


Thầy Phú chia sẻ, nhiều năm trước, anh đã phải tạm gác giấc mơ giảng đường vì gia đình khó khăn. Sau khi cuộc sống ổn định, anh chú tâm ôn luyện, thi vào ngành Sư phạm (Trường Đại học Khánh Hòa) và trúng tuyển với điểm cao. Năm 2013, biết được thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển giáo viên ra Trường Sa dạy học, anh hồ hởi viết đơn với nguyện vọng được dạy ở miền đảo xa. Mãi đến năm 2018 ước mơ của anh mới thành sự thật. 3 năm qua, sống và dạy học ở Song Tử Tây, đảo nhỏ thành quê hương, trường lớp là ngôi nhà lớn và đám trẻ là những đứa con thương yêu của người thầy tâm huyết.

 


Thâm niên 13 năm công tác tại vùng miền núi Khánh Vĩnh cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ là niềm tin cho thầy Bành Hữu Tình (38 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa) thi tuyển làm giáo viên ở Trường Sa. “Tôi đã từng đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Khi ấy, đứng trước vòng tròn Gạc Ma bất tử, tôi muốn làm một điều gì đó cho quê hương, đất nước”, thầy Tình tâm sự. May mắn trong hàng trăm bộ hồ sơ, nguyện vọng của anh được duyệt. Tháng 6-2018, thầy giáo trẻ đến với Trường Sa, bắt đầu một hành trình công tác đặc biệt trong cuộc đời.

Cùng có chung tình yêu đặc biệt với Trường Sa như thầy Phú, thầy Tình, thầy giáo trẻ Nguyễn Công Qua (27 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Sinh Tồn) cũng tạm gác mọi chuyện riêng để đến với các em nhỏ nơi đảo xa từ năm 2018. “Lúc ấy, khi được tin Sở Giáo dục và Đào tạo chấp thuận đơn xin ra đảo, tôi chạy ngay về nhà, gói ghém đồ đạc và chờ ngày lên đường…”, thầy Qua bày tỏ.

 

 

Thầy Qua hướng dẫn bài cho học sinh.

Thầy Qua hướng dẫn bài cho học sinh.

 

Các học sinh trao đổi bài tập với nhau.

Các học sinh trao đổi bài tập với nhau.


Những kỷ niệm đặc biệt


Từng có 3 năm giảng dạy tại xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh, thầy Tình đã đón nhận những món quà đặc biệt từ đồng bào Raglai, đó là những củ mì, trái bắp trên nương rẫy. Ở môi trường mới giữa trùng dương rộng lớn, thêm lần nữa thầy cảm nhận được tình cảm thân thương mà phụ huynh, học sinh cùng cán bộ ở Trường Sa gửi gắm. “3 năm ở đảo, tôi đã đón nhận những món quà từ phụ huynh học sinh mang tới tặng, quà chỉ là những quả bầu, quả bí được trồng trên đảo, đơn giản nhưng ấm áp...”.

 

Các em nhỏ Trường Tiểu học Song Tử Tây giao lưu văn nghệ với đoàn công tác.

Các em nhỏ Trường Tiểu học Song Tử Tây giao lưu văn nghệ với đoàn công tác.


Nói về kỷ niệm khó quên nhất ở Trường Sa, thầy Tình kể, có lần trong tiết học ngoại khóa, thầy hướng dẫn học sinh làm hoa bằng vỏ ốc, vỏ sò nhặt từ bờ biển. Các em thực hiện rất tốt những gì thầy dạy và vui thích với thành quả của mình. Nhưng có một học sinh nhỏ tuổi xin làm lại. Lát sau, em mang đến cây hoa, các vỏ ốc xếp thành hình trái tim, còn ở giữa để một vỏ sò lớn. Thầy hỏi ý nghĩa của tác phẩm, em giải thích: “Vỏ ốc xung quanh là chúng em, ở giữa là thầy. Ý em là thầy trong tim chúng em đó”.


Thầy Phú cũng có vô số kỷ niệm đáng nhớ trong những tháng năm gieo chữ trên đảo. “Một lần, học sinh thấy tôi ngửi mùi thơm hoa sứ vì tôi thích loài hoa này. Gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam, các em liền chạy đi hỏi các chiến sĩ: “Con muốn hái hoa sứ nhưng để ngày mai còn mùi thơm nữa không ạ? Các chiến sĩ ngạc nhiên hỏi: “Các con muốn làm gì?”, các em trả lời muốn tặng thầy Phú nhân ngày lễ nhưng sợ hoa không tươi, hết mùi thơm”. Nhìn thấy đóa hoa sứ trên bàn, tôi như run lên vì hạnh phúc”, thầy Phú kể. Những chi tiết mộc mạc, giản dị nhưng qua lời thầy cứ thổn thức, rưng rưng.


Rời lớp học, chúng tôi được thầy Tình và các học sinh hát tặng bài “Khúc quân ca Trường Sa” hùng hồn mà sâu lắng. Tạm biệt Trường Sa, chúng tôi không quên những gửi gắm của người thầy nơi đảo xa: “Các bạn trẻ theo nghề giáo nói riêng và thế hệ trẻ nói chung, muốn cảm nhận đất nước mình đẹp, biển đảo thiêng liêng thì hãy một lần đến Trường Sa. Dù ở miền núi hay hải đảo, bằng sức trẻ, hãy cống hiến những gì có thể, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.


THANH TRÚC


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp