Giáo dục chủ quyền biển đảo là một nội dung quan trọng đã được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa đưa vào chương trình chính khóa ở trường phổ thông. Bên cạnh đó, các trường ngày càng quan tâm hơn tới việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về chủ đề này.
Triển khai chương trình chính khóa
Ngoài việc giảng dạy tài liệu lịch sử địa phương Khánh Hòa ở cấp THCS và THPT, các trường còn được Sở GD-ĐT cấp phát các tài liệu liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Nhờ tăng cường việc giảng dạy trực quan thông qua màn hình máy chiếu, hình ảnh, bảng biểu, lược đồ..., các giờ học đã trở nên sinh động, hấp dẫn và dễ hiểu hơn đối với học sinh (HS). Các em không chỉ được cung cấp những kiến thức về địa lý, tài nguyên biển, đảo mà còn có những hiểu biết cơ bản về sự phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục tại huyện Trường Sa hiện nay, hiểu được cuộc sống của quân dân ta trên đảo... Những kiến thức giáo dục chủ quyền biển, đảo còn được lồng ghép, tích hợp trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân, An ninh quốc phòng. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục cũng nhẹ nhàng, dễ hiểu hơn trong những bài học về tài nguyên môi trường biển đảo ở các môn: tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý.
Cô Lê Thị Thoa - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Trần Đại Nghĩa (huyện Cam Lâm) cho biết, việc giáo dục, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho HS được thực hiện thường xuyên, liên tục trong nhà trường. Bên cạnh những kiến thức được học, để đạt hiệu quả hơn nữa, cần tổ chức nhiều hơn những hoạt động trải nghiệm thực tế cho HS. Trên địa bàn huyện có Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, là nơi đã đón nhiều đoàn HS và giáo viên các trường trong và ngoài tỉnh tới tham quan, được xem là một “địa chỉ đỏ” về giáo dục chủ quyền biển đảo đối với thế hệ trẻ. Em Nguyễn Trần Uyển Nhi - HS lớp 6 Trường THCS Trần Đại Nghĩa chia sẻ: “Qua các tiết học, em thích nhất là được tận mắt chứng kiến những hình ảnh của biển đảo quê hương, được cảm nhận, hiểu biết về vẻ đẹp, tiềm năng của biển đảo Tổ quốc, về Hoàng Sa, Trường Sa. Từ đó, em thêm yêu biển đảo quê hương mình…”.
Đa dạng hoạt động ngoại khóa
Sở GD-ĐT vừa xây dựng Kế hoạch tuyên truyền biển đảo năm 2019, với nhiều nội dung cụ thể triển khai trong toàn ngành. Trong đó, yêu cầu các đơn vị tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền để tăng cường hiệu quả, sức thuyết phục và phạm vi lan tỏa; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, các vấn đề cần lưu ý trong thông tin, tuyên truyền về biển, đảo và tổ chức phù hợp với từng đối tượng, vùng miền... |
Đố vui “Tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam” năm học 2018 - 2019 là hoạt động mới, được Trường Tiểu học Suối Tân (huyện Cam Lâm) tổ chức vào các giờ chào cờ đầu tuần. Mỗi tuần, sẽ có từ 3 đến 5 câu hỏi đố vui cho tất cả HS từ lớp 1 đến lớp 5. Các em có dịp hiểu thêm về chủ quyền biển đảo Tổ quốc, hiểu được mình cần phải làm gì cũng như biết cách bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên biển. Còn trong buổi ngoại khóa với chủ đề “Biển đảo là quê hương” vừa qua, các em HS Trường THCS Thái Nguyên đã được nghe cô Nguyễn Thị Khanh - Tổ trưởng Sử - Địa - Công dân nói chuyện về chủ quyền và bảo vệ tài nguyên biển đảo. Tham gia trả lời các câu hỏi, hòa mình trong các tiết mục văn nghệ ca ngợi quê hương đất nước, biển đảo thiêng liêng, các em càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền, tài nguyên và môi trường biển đảo. Cũng trong dịp này, các cán bộ, giáo viên, HS nhà trường đã tham gia đóng góp cho “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam” với tổng số tiền gần 45 triệu đồng.
Có thể thấy, các hoạt động tuyên truyền về biển đảo ở các trường những năm gần đây đã có nhiều đổi mới về cả nội dung và hình thức. Các trường đã đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo vào các hoạt động sinh hoạt chính trị đầu năm học, các cuộc họp, sinh hoạt công đoàn, đoàn, hội, đội… Đồng thời, xây dựng trang, chuyên mục phổ biến pháp luật về biển trên trang thông tin điện tử; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, triển lãm, tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề về các vấn đề pháp lý liên quan đến biển, đảo Việt Nam vào các giờ sinh hoạt ngoại khóa; niêm yết các văn bản tuyên truyền về biển, đảo nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông tại bảng tin. Thông qua website, trang mạng xã hội của nhà trường, các trang thông tin điện tử chính thống, những nội dung tuyên truyền đã được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng hơn.
Từ nhận thức biến thành hành động, HS ở các trường đã tham gia nhiều chiến dịch ra quân như: làm sạch bãi biển, thu gom chất thải, rác thải ven biển, khuyến khích hoạt động tái chế và tái sử dụng chất thải nhựa. Nhiều trường đã tổ chức cho HS đi thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đang sinh sống tại các bãi ngang và hải đảo có nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Quỹ học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ “Vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu” trao học bổng cho HS là con em ngư dân, cán bộ, sĩ quan công tác tại các đảo thuộc Trường Sa… Các phong trào: Góp đá xây Trường Sa, Hành trình Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương… đã thu hút đông đảo HS tham gia, các em đã tặng áo phao, đèn tích điện, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân... Những việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa và bài học giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ.
T.VIỆT