Thời gian qua, tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp. Các đơn vị chủ rừng gặp nhiều khó khăn để giảm thiểu tình trạng này. Trước mắt, các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là đơn vị chủ rừng tập trung quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng từ gốc; chốt chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Chủ rừng gặp khó
Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh diễn biến rất phức tạp. Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 17 vụ phá rừng và 13 vụ khai thác rừng trái pháp luật; trong đó 7 vụ phá rừng và 12 vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, chủ yếu thuộc lâm phận Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa cho biết, hiện nay, tình trạng người dân chặt phá, chiếm đất rừng trồng của công ty để làm nương rẫy diễn biến phức tạp, có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương tham gia. Tuy công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng ngăn chặn, tuyên truyền nhưng người dân vẫn không hợp tác. Các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép coi thường, thậm chí đe dọa lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của công ty.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ hơn 53.476ha rừng, đất rừng tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Hiện nay, trong lâm phận của đơn vị có khoảng 2.000ha đất quy hoạch chức năng sản xuất nhưng không có nguồn vốn để trồng và phát triển rừng sản xuất. Việc quản lý diện tích đất rừng này gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng người dân xâm lấn để lấy đất canh tác. Ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết: “Nhân lực quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị có 40 người thì 50% phải tập trung cho bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây. Nhân lực bảo vệ rừng không đủ do không tuyển thêm được, trong khi địa bàn rộng, rừng, đất rừng tiếp giáp với nhiều khu dân cư, có nhiều tuyến đường giao thông. Ngoài rừng căm xe Ninh Tây, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép tại một số địa phương ở thị xã Ninh Hòa”.
Với hơn 30.212ha rừng, đất rừng được giao quản lý, trải rộng trên địa bàn các huyện: Khánh Sơn, Cam Lâm và TP. Cam Ranh, tình trạng phát rừng làm rẫy trong lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cũng diễn biến phức tạp. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trong lâm phận của đơn vị xảy ra 4 vụ vi phạm liên quan đến lấn chiếm đất rừng. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại địa bàn huyện Khánh Sơn, khi giá đất nông nghiệp, nhất là các loại đất có thể trồng cây sầu riêng tăng cao.
Được xác định là đơn vị bảo vệ rừng hiệu quả, nhưng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương cũng gặp nhiều khó khăn khi rừng tự nhiên được giao quản lý có khoảng 106km giáp ranh với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Các địa phương giáp ranh với lâm phận công ty có nhiều đường mòn, lối mở để xâm nhập vào lâm phận của công ty. Trong khi đó, nương rẫy của người dân giáp ranh, xen lẫn với rừng trồng, rừng tự nhiên cũng khiến công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị gặp khó khăn, nhất là xử lý tình trạng người dân lén lút “ken” cây, phát chiếm đất rừng.
Cần xử lý nghiêm các vụ phá rừng
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 243.854ha có rừng, hơn 74.423ha chưa có rừng thuộc quy hoạch 3 loại rừng; tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 45,48%; phần lớn diện tích rừng, đất rừng được giao cho 5 đơn vị chủ rừng nhà nước quản lý. Từ năm 2019 đến nay, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã ra quyết định khởi tố 17 vụ án hình sự; xử phạt vi phạm hành chính 777 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. |
Để giảm thiểu tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng, trước hết, các đơn vị chủ rừng phải nêu cao trách nhiệm và giữ rừng từ gốc. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương đã thành lập 4 đội bảo vệ và phát triển rừng, với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng 60 người, bố trí 21 chốt trực bảo vệ rừng, trong đó có nhiều chốt nằm tận trong rừng sâu, tại những khu vực có nguy cơ xâm hại cao. Ngoài ra, vào mùa khô, đơn vị còn bố trí thêm 16 chốt để phòng, chống cháy rừng… Nhờ thực hiện tốt việc giữ rừng từ gốc nên lâm phận của công ty được giữ vững, tỷ lệ che phủ rừng hơn 91%. Tương tự, hiện nay, các đơn vị chủ rừng nhà nước khác cũng tiến hành đóng chốt bảo vệ rừng tại những khu vực có nguy cơ xâm hại cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm.
Với những khó khăn hiện nay, đại diện một số đơn vị chủ rừng nhà nước kiến nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xử lý một số vụ án về chặt phá và chiếm đất rừng trồng để làm nương rẫy; khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép nhằm răn đe các đối tượng vi phạm. Để hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng, tỉnh cần xem xét việc đầu tư trồng rừng sản xuất trên những diện tích đất trống sau khai thác. Bên cạnh đó, các lực lượng, chính quyền cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ rừng để ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái pháp luật…
Tại cuộc họp mới đây, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng phương án quản lý rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng việc đánh giá thực trạng, có lộ trình, phương án cụ thể để giải quyết các tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, đất rừng. Trước mắt, các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là đơn vị chủ rừng tập trung quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng theo phương châm phòng ngừa là chính và phải bảo vệ rừng từ gốc.
HẢI LĂNG