Sáng 19/11, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chủ trì cuộc họp khẩn, chỉ đạo tình hình khắc phục hậu quả mưa bão.
Tại cuộc họp, thượng tá Lê Thanh Sơn, Trưởng ban Chỉ huy quân sự TP Nha Trang, cho biết đến nay mưa lũ cướp đi sinh mạng của 13 người, trong khi vẫn còn 4 người mất tích. Những người mất tích cùng ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng.
Theo thượng tá Sơn, các trường hợp mất tích rất thương tâm, trong đó có 2 cha con bị nước cuốn, vùi lấp khi tháo chạy khỏi nhà, một cụ bà nghi bị lũ cuốn xuống suối...
“Hiện nay, việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích hết sức khó khăn do các phương tiện, thiết bị đều không thể tiếp cận hiện trường. Việc tìm kiếm các nạn nhân chủ yếu bằng thủ công, thậm chí có khu vực phải dùng tay san gạt đất đá. Hôm nay (19/11), TP Nha Trang cùng các lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích”, thượng tá Sơn nói.
Ngoài các điểm sạt lở ở phường Vĩnh Hòa, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và xã Phước Đồng hiện, còn rất nhiều điểm có nguy cơ sạt lở lớn bất cứ lúc nào. Tại những khu vực này có rất nhiều gia đình sinh sống.
“Chúng tôi đề nghị huy động thêm nhân lực để sơ tán người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, việc này không nên chậm trễ”, lãnh đạo TP Nha Trang nói.
Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa mưa lũ trên địa bàn tỉnh này đã làm sập, hư hỏng 43 căn nhà, trong đó nhiều nhất là TP Nha Trang với 30 căn.
Theo ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa, đến sáng nay đường Nguyễn Tất Thành nối TP Nha Trang với sân bay Cam Ranh vẫn còn ách tắc.
“Hiện trên tuyến giao thông huyết mạch này còn 2 điểm sạt lở rất lớn với hơn 6.000 m3 đất đá. Sở GTVT đang huy động lực lượng dọn đất đá, giải phóng mặt đường. Dự kiến, nhanh nhất đến 11h sáng nay mới có thể lưu thông một làn xe hướng Nha Trang đi sân bay”, ông Dần nói.
Ông Lê Đức Vinh yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm người mất tích, khẩn trương bố trí chỗ ở cho các gia đình có nhà bị sập, hư hỏng.
Vị chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu TP Nha Trang phối hợp với các lực lượng của tỉnh tiếp tục kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở, sơ tán toàn bộ người dân trong các vùng nguy hiểm nhanh nhất có thể, để tránh thiệt hại khi dự báo bão số 9 đang tiến vào biển Đông.
Chiều qua (18/11), tại cuộc họp khẩn, Chủ tịch UBND TP Nha Trang Lê Hữu Thọ thốt lên: “Trận mưa lịch sử, thiệt hại quá lớn”.
Không riêng gì ông Thọ, khi ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa truy hỏi, tất cả lãnh đạo các xã, phường TP Nha Trang và cả các sở, ban ngành của tỉnh này đều tỏ ra “bất ngờ” về thiệt hại quá lớn do cơn mưa đêm ngày 17/11 gây ra.
Tất cả “không nghĩ rằng chỉ với một trận mưa lớn mà con số thiệt hại về người, chưa tính đến vật chất trên địa bàn thành phố lại lớn như vậy”.
Ông Lê Huy Toàn, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, thẳng thắn nhìn nhận thiệt hại quá sức tưởng tượng vì từ sáng đến chiều con số người chết và thương vong cứ báo về liên tục.
“Đến bây giờ chúng tôi vẫn bất ngờ trước thiệt hại về người sau các vụ lở đất. Bất ngờ vì những nơi sạt lở hôm nay không nằm trong các điểm dự báo của thành phố”, ông Toàn thừa nhận.
Chủ tịch UBND TP Nha Trang Lê Hữu Thọ cũng thừa nhận: “Những khu vực không được đề phòng lại xảy ra sạt lở khiến chính quyền trở tay không kịp”.
Khi đề cập đến khu vực thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, nơi sạt lở khiến 4 người chết, ông Lê Hữu Thọ cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo UBND Phước Đồng.
Theo vị Chủ tịch TP Nha Trang, toàn bộ hộ dân ở xóm Núi, thôn Thành Phát, đã được cấp đất tại khu tái định cư Hòn Rớ, xã Phước Đồng. Tuy nhiên, những hộ dân trên không chịu xây nhà, mà bán đất được tái định cư rồi lên khu vực xóm Núi cất nhà trái phép.
“Sự việc đã xảy ra hàng chục năm rồi. Đa số những hộ dân ở đây đều làm biển, có hoàn cảnh khó khăn”, ông Thọ cho biết và nói thêm sau sự cố đau lòng này, thời gian tới thành phố sẽ nghiên cứu xin tỉnh di dời các hộ dân ra khỏi khu vực và sẽ làm quyết liệt.
Ngoài thiệt hại về người, trong ngày 18/11, cuộc sống của hàng trăm nghìn người dân Nha Trang bị đảo lộn hoàn toàn do ngập lụt. Chỉ sau một cơn mưa, nhiều khu vực ở thành phố này tê liệt do ngập.
Đơn cử như đại lộ Nguyễn Tất Thành nối Nha Trang với sân bay Cam Ranh, quốc lộ 1 qua địa bàn các xã Vĩnh Phương, Vĩnh Lương. Tại trung tâm TP Nha Trang, nhiều tuyến đường bị chìm sâu trong nước, như đường 2/4, Lương Định Của, Hoàng Diệu, Nguyễn Thị Định.
Theo lãnh đạo UBND TP Nha Trang, ngoài mưa lớn thì yếu tố hệ thống thoát nước quá tải là nguyên nhân chính gây ngập lụt.
Theo ông Ngô Khắc Thinh, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang, ngoài một số điểm ngập có tính "truyền thống", thì một số nơi ngập sâu do nằm trong vùng của các dự án như, khu đô thị Phước Long, Vĩnh Thái, Phước Hải…
“Ở những nơi này hệ thống thoát nước bị bít hết, có nơi thì chưa hoàn thiện hoặc chưa được đấu nối nên khi mưa nước dồn ứ”, ông Thinh lý giải.