Động lực mới cho phát triển kinh tế

Thứ năm - 30/05/2019 09:46
Ngày 30-5, Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) - nhà máy điện mặt trời thứ 2 của tỉnh chính thức khánh thành, đi vào hoạt động. Bên cạnh nâng công suất cung cấp điện năng, các dự án điện mặt trời còn giải quyết việc làm và tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Động lực mới cho phát triển kinh tế

Ngày 30-5, Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) - nhà máy điện mặt trời thứ 2 của tỉnh chính thức khánh thành, đi vào hoạt động. Bên cạnh nâng công suất cung cấp điện năng, các dự án điện mặt trời còn giải quyết việc làm và tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.


Dự án Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa khởi công ngày 24-8-2018; sau 8 tháng thi công, ngày 5-5, dự án hoàn thành. Dự án được thực hiện trên diện tích 65ha đất nông nghiệp bạc màu tại xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm. Công suất của nhà máy là 50MWp và có tổng mức đầu tư 1.245 tỷ đồng. Từ khi thi công đến nay, công ty đã đóng góp vào ngân sách hơn 82 tỷ đồng. Hàng năm, nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia hơn 74 triệu kWh.

 

Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang.

Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang.


Ông Nguyễn Nam Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng AMI Khánh Hòa cho biết, nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động sẽ đóng góp một phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương; tổng doanh thu cả năm ước đạt 167 tỷ đồng, hàng năm sẽ đóng góp cho ngân sách gần 17 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Ngoài việc sản xuất điện, dự kiến Công ty Cổ  phần Năng lượng AMI Khánh Hòa sẽ biến nhà máy điện mặt trời thành một điểm du lịch năng lượng xanh, tạo thêm một địa chỉ tham quan mới cho du khách. Trong thời gian tới, công ty sẽ kiến nghị tỉnh cho phép thăm dò, đầu tư thêm một số khu vực để tiếp tục xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo. Bởi qua khảo sát, Khánh Hòa là địa phương có lượng nhiệt năng mặt trời tốt, nếu thực hiện các dự án điện mặt trời ở đây sẽ có hiệu quả cao.

 

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 27 dự án điện mặt trời được phê duyệt. Dự kiến khi các dự án đi vào hoạt động, hàng năm Khánh Hòa sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia từ 2.000 triệu kWh/năm trở lên. Đến cuối tháng 6-2019, sẽ có ít nhất 3 nhà máy điện mặt trời nữa chính thức vận hành và bán điện.

Ông Lương Dự - Bí thư Huyện ủy Cam Lâm đánh giá: Cam Lâm có nhiều tiềm năng về điện mặt trời, do đó trong thời gian tới tỉnh có chủ trương tập trung cho các dự án năng lượng tái tạo này. Khi các dự án được thực hiện sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Địa phương sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển các nhà máy điện năng lượng mặt trời một cách có hiệu quả và bền vững.


Trước đó ngày 25-5, Nhà máy điện Mặt trời Sông Giang (tại xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) cũng đã chính thức hòa lưới điện quốc gia, trở thành nhà máy điện mặt trời đầu tiên của tỉnh đi vào hoạt động. Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang được xây dựng trên diện tích khoảng 60ha với tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng. Công trình điện năng lượng mặt trời này cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hơn 80 triệu kWh/năm. Từ khi bắt đầu xây dựng đến nay, dự án đã giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương; hỗ trợ và tạo điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây.


Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: “Các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đã đóng góp rất lớn cho việc nâng công suất cung cấp điện cho lưới điện. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của những năm tiếp theo. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng thêm trạm biến áp và cải tạo đường dây nhằm khai thác tối đa công suất của các nhà máy điện mặt trời”.


Đình Lâm
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp