Những năm gần đây, rừng căm xe Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) luôn là điểm nóng về nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Để giải quyết tình trạng phá rừng, chiếm đất tại đây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cùng lực lượng chức năng địa phương đang đóng chốt giữ rừng tận gốc, đồng thời đề xuất giao khoán bảo vệ rừng cho người dân địa phương.
Đóng chốt giữ rừng
Từ giữa tháng 2, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đã đưa vào hoạt động các chốt bảo vệ rừng trong rừng căm xe Ninh Tây. Tham gia chốt giữ rừng, ngoài lực lượng của chủ rừng còn có lực lượng liên ngành chống phá rừng do UBND thị xã Ninh Hòa triển khai từ cuối năm 2019. Theo đó, 424ha rừng căm xe còn rừng đã được phân chia thành 4 khu vực trọng điểm để tổ chức quản lý bảo vệ; tại mỗi khu vực, chủ rừng xây dựng 1 chốt bảo vệ, bố trí 6 - 7 người để tiến hành trực, tuần tra 24/24 giờ trong rừng.
Ông Nguyễn Văn Tới - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết, việc đóng chốt tại các điểm rừng căm xe bị xâm hại để giữ rừng là giải pháp hiệu quả nhất. Bởi lực lượng chức năng liên tục có mặt trong rừng đã hạn chế, ngăn chặn được từ gốc các đối tượng vào phá rừng, chiếm đất. Để góp phần hạ nhiệt điểm nóng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép ở khu vực Ninh Tây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa kiến nghị chính quyền địa phương, ngoài việc phối hợp với lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm soát, cần tăng cường xử lý tình trạng xe độ chế vận chuyển lâm sản.
Theo thông tin từ Đội liên ngành chống phá rừng căm xe Ninh Tây, từ tháng 11-2019 đến tháng 2-2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 9 vụ việc về phá rừng, lấn, chiếm rừng, đất rừng làm nương rẫy, với tổng diện tích gần 26.000m2. Qua đó, lập biên bản xử lý và tạm giữ 37,473m3 gỗ căm xe, 18ster củi, 6 xe máy, 4 máy cưa, 1 khẩu súng tự chế. Điều đáng mừng là từ khi lực lượng chức năng đóng chốt trong lõi rừng căm xe, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại đây đã giảm hẳn. Hơn 1 tháng qua, khu vực rừng căm xe Ninh Tây không ghi nhận thêm bất cứ vụ xâm hại rừng nào.
Kiến nghị giao khoán bảo vệ rừng
Theo ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, tuy nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng căm xe Ninh Tây gần đây giảm nhưng về lâu dài nếu không có biện pháp hiệu quả thì nguy cơ phá rừng vẫn rất lớn. Đơn vị đang kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét xây dựng phương án giao khoán bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 cho toàn bộ diện tích rừng căm xe Ninh Tây. Với đặc thù của rừng phòng hộ căm xe Ninh Tây, việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương bền vững, ổn định lâu dài là phù hợp.
Theo đề xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, đối với khu rừng phòng hộ đã có rừng, đối tượng nhận khoán bảo vệ được trồng xen cây nông nghiệp (trừ cây mía, vì dễ gây cháy rừng), dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng, nhưng không được làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng và khả năng phòng hộ của rừng. Đối với đất chưa có rừng, bên nhận khoán được sử dụng để kết hợp sản xuất nông nghiệp (trừ cây mía), dược liệu, hồ chứa nước chữa cháy rừng, lán, trại tạm thời nhưng không quá 20% diện tích đất trống, còn lại 80% diện tích đất trống trở lên đơn vị chủ rừng tổ chức trồng, phát triển rừng căm xe theo hồ sơ thiết kế đảm bảo các biện pháp kỹ thuật lâm sinh theo quy định. Đơn vị chủ rừng còn đề xuất hỗ trợ người dân, hộ gia đình đã đầu tư trồng cây nông nghiệp trên diện tích đất có chức năng rừng phòng hộ trái pháp luật trước đây để đưa vào trồng, phục hồi rừng phòng hộ căm xe.
Theo lãnh đạo UBND xã Ninh Tây, thực tế trước đây, địa phương cũng đã vận động người dân nhận khoán bảo vệ rừng, ban đầu có rất nhiều hộ đăng ký nhận khoán nhưng khi triển khai thì không có hộ nào đồng ý nhận vì không được sản xuất nông lâm kết hợp dưới tán rừng. Mới đây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, UBND xã Ninh Tây đã họp bàn với các hộ dân địa phương về giao khoán bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp dưới tán rừng, kết quả đã có 35 hộ gia đình đồng ý đăng ký nhận khoán bảo vệ.
HẢI LĂNG