Trước tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng này trong những tháng cuối năm.
Nợ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh có 1.323 đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) từ 1 tháng trở lên với số tiền hơn 172,6 tỷ đồng (đã loại trừ 581 đơn vị không còn hoạt động nhưng còn số thiếu). Trong đó, có 435 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên, với số tiền hơn 98,3 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, nợ BHXH trên địa bàn tỉnh giảm 8,77% nhưng lại tăng 40,91% so với tháng 12-2021, tăng 6,24% so với tháng 9. Số đơn vị trên địa bàn TP. Nha Trang nợ từ 1 tháng trở lên chiếm tỷ trọng lớn nhất toàn tỉnh. Một số đơn vị có số nợ lớn, tiếp tục nợ và thiếu phối hợp với cơ quan BHXH để trả nợ.
Thời gian qua, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thu hồi nợ. Trong đó, công tác phối hợp với cơ quan công an để xử lý nợ BHXH mang lại hiệu quả cao. Từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã chuyển 226 hồ sơ đơn vị nợ BHXH cho công an xử lý. Qua đó, đã có 126 đơn vị nợ BHXH khắc phục nợ với số tiền hơn 22 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phòng Thanh tra - Kiểm tra (BHXH tỉnh) đã đôn đốc, thu hồi nợ đối với 21 đơn vị, thu hơn 8,1 tỷ đồng. Tổ Công tác liên ngành thu nợ BHXH, BHYT tỉnh và huyện thực hiện thu nợ bằng nhiều hình thức như: Phát hành văn bản đôn đốc thu, thu nợ gửi các đơn vị nợ; lập biên bản làm việc với các đơn vị nợ…
Tập trung thu nợ cuối năm
Trước tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH kéo dài trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo BHXH tỉnh, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng. Theo đó, đối với 684 đơn vị nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, UBND tỉnh giao BHXH tỉnh chủ trì thực hiện thanh tra đột xuất chuyên ngành tại 20 doanh nghiệp; gửi công văn đôn đốc cho 100 đơn vị yêu cầu khắc phục nợ; phối hợp với Tổ Công tác liên ngành thu hồi nợ BHXH, BHYT tỉnh thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ tại 417 doanh nghiệp, kiên quyết xử phạt hành chính đối với những đơn vị nợ đọng kéo dài. UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra, gửi công văn đôn đốc thu hồi nợ đối với 147 doanh nghiệp trên địa bàn quản lý. Cụ thể: TP. Cam Ranh 18 đơn vị, huyện Vạn Ninh 10 đơn vị, thị xã Ninh Hòa 33 đơn vị, huyện Diên Khánh 72 đơn vị, huyện Cam Lâm 14 đơn vị. Đồng thời, các địa phương cần chủ động mời các đơn vị nợ BHXH từ 2 tháng trở lên làm việc để kịp thời giải quyết, xử lý nợ đọng, trốn đóng. UBND tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu mời các doanh nghiệp nợ BHXH (do cơ quan BHXH chuyển hồ sơ) để thực hiện thu hồi nợ.
Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc Quản lý, điều hành BHXH tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những tháng cuối năm, cơ quan BHXH chủ động phối hợp với các cấp, ngành tăng cường mọi giải pháp thu nợ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động tham gia BHXH. Đặc biệt, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH cấp huyện trực tiếp đến các đơn vị nợ từ 1 tháng trở lên để kịp thời đôn đốc thu, không để thành nợ kéo dài. Đơn vị cũng tổ chức triển khai hợp đồng hợp tác với các ngân hàng về việc trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để trả tiền nợ BHXH, đồng thời kiến nghị ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn để nộp BHXH, BHYT. Ngoài ra, trong tháng 11, cơ quan BHXH sẽ tổ chức đối thoại với chủ sử dụng lao động, người lao động để giải quyết những vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
MAI HOÀNG