Thời gian qua, do giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục nên nhiều ngành sản xuất, chế tạo, chế biến gặp khó khăn. Các doanh nghiệp (DN) phải vận dụng mọi cách để ứng phó với “bão giá”…
Nhiều sự tác động đến sản xuất
Theo đại diện các DN, nguyên nhân dẫn đến nguyên liệu đầu vào khan hiếm và liên tục tăng giá là do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới leo thang, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine và tình hình lạm phát ở mức cao. Việc xăng tăng giá liên tiếp kéo theo các chi phí logistics, nguyên phụ liệu, vận hành nhà máy… đều tăng thêm. DN đối mặt với bài toán khó trong thực hiện mục tiêu kích cầu nội địa để phục hồi.
Các DN thuộc nhóm ngành chế biến thực phẩm, đặc biệt là chế biến hải sản chịu ảnh hưởng dễ thấy nhất. Trong 5 tháng đầu năm, giá nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm tăng từ 30 đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Những DN chế biến hải sản sử dụng nguyên liệu nội địa luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu do lượng tàu cá nằm bờ quá lớn khi giá xăng tăng cao. Trong lĩnh vực chế tạo và cơ khí, có thời điểm giá thép tăng đến 35% và tăng liên tục nhiều ngày khiến các sản phẩm làm ra không kịp điều chỉnh giá. Đơn cử, Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam năm nay dự kiến đóng 14 tàu, song đến tháng 6, công ty mới chỉ bàn giao cho khách hàng được 5 tàu. Tuy giá hợp đồng đóng tàu phải điều chỉnh tăng từ 2 đến 3% nhưng vẫn không đủ cân đối khi giá thép đầu vào tăng cao, lợi nhuận bị giảm sâu.
Đối với DN dệt may, nguồn cung nguyên phụ liệu gặp khó khăn do tác động của thị trường thế giới. Ông Võ Đình Hùng - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, giá bông hiện nay đã tăng khoảng 70%, sợi tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. “Việc giá nguyên liệu tăng cộng với tình trạng hàng hóa nhập khẩu về chậm, chi phí logistics tăng cao gây không ít khó khăn cho các DN dệt may. Giá bông tăng khiến giá sợi, vải tăng theo, nhưng giá thành phẩm sản phẩm dệt may lại không tăng hoặc tăng không đáng kể. Điều này khiến cho các DN đã gặp khó vì dịch bệnh Covid-19 nay càng khó khăn hơn”, ông Võ Đình Hùng chia sẻ.
Quản trị hiện đại, kiểm soát chặt chi phí đầu vào
Mặc dù đa số các DN sản xuất đều gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào, song trong ngắn hạn, nhiều đơn vị vẫn còn nguồn hàng dự trữ để sản xuất. Tuy nhiên, khoảng 1-2 tháng nữa nguồn nguyên liệu cũng sẽ hết. Lúc đó, DN buộc phải mua vào số lượng nguyên liệu lớn. Điều này có thể khiến thị trường cầu nhiều hơn cung, lại dẫn đến đợt tăng giá mới. Để ứng phó với “bão giá”, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã tối ưu hóa chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, đồng thời tăng năng suất lao động để bù đắp một phần giá nguyên vật liệu tăng đã được các DN đồng loạt triển khai.
Về lâu dài, các DN cũng xác định sẽ mở rộng nguồn cung nguyên liệu, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước để tránh bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, tăng sản lượng tiêu thụ. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đang từng bước thay đổi công nghệ, thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao; ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị để tối ưu hóa bộ máy vận hành toàn hệ thống. Việc đưa công nghệ mới, quản trị hiện đại vào sản xuất, kinh doanh sẽ giúp DN có điều kiện vượt qua khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang kiến nghị: “Để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, ngoài việc DN phải chủ động đưa ra các giải pháp hữu hiệu, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, sử dụng quỹ bình ổn giá hoặc giảm thuế, phí cho DN. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có chính sách tạo việc làm, kích thích sức mua hàng hóa của người dân để DN có thêm cơ hội đưa hàng hóa ra thị trường, giảm bớt áp lực về nguyên liệu đầu vào”.
ĐÌNH LÂM