Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động kéo dài rồi ngừng hoạt động, giải thể, bỏ trốn diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, các ngành chức năng không có hướng giải quyết, khiến quyền lợi chính đáng của hàng trăm người lao động có nguy cơ bị mất trắng.
Hàng loạt doanh nghiệp phá sản
Thành lập năm 2007, Công ty Cổ phần Nội thất tàu thủy Nha Trang (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) làm ăn hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho gần 50 lao động. Tuy nhiên, đến năm 2010, công ty thua lỗ dẫn đến nợ lương, BHXH của công nhân, nợ tiền của khách hàng hơn 1,7 tỷ đồng. Công ty hoạt động cầm chừng đến năm 2014 thì phá sản. Đến nay, công ty còn nợ hơn 340 triệu đồng tiền BHXH của người lao động. Vì thế, cơ quan chức năng chỉ chốt sổ BHXH cho công nhân đến thời điểm công ty ngừng đóng BHXH.
Công ty Cổ phần May Gió Mới (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) thành lập và hoạt động vào năm 2012. Đến năm 2015 thì hoạt động cầm chừng và bắt đầu nợ BHXH của hơn 90 lao động. Đến tháng 8-2017, công ty phá sản khi còn nợ hơn 1,4 tỷ đồng BHXH khiến nhiều quyền lợi của công nhân không được giải quyết. Số nợ này cứ treo lơ lửng đến nay mà không có hướng xử lý.
Tương tự, Công ty TNHH Ngọc Sương Nha Trang (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) thành lập và hoạt động từ năm 2011. Đến năm 2013, công ty bắt đầu nợ BHXH của 37 người lao động và đến năm 2015 tuyên bố ngừng hoạt động, phá sản. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, công ty vẫn còn nợ BHXH hơn 150 triệu đồng của người lao động khiến cơ quan chức năng không thể chốt sổ cho họ. Hay như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ kỹ thuật TEKKI (phường Phước Long, TP. Nha Trang) khi giải thể còn nợ BHXH hơn 190 triệu đồng của gần 30 người lao động.
Cần đảm bảo quyền lợi của người lao động
Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 200 DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ trốn nhưng vẫn đang còn nợ hơn 15 tỷ đồng tiền BHXH của gần 1.000 người lao động. Đa số công nhân ở những đơn vị này chỉ được chốt sổ BHXH đến thời điểm DN đã đóng BHXH. Còn khoảng thời gian các DN phát sinh nợ BHXH thì không thể chốt sổ cho người lao động. Để thu hồi nợ, ngành chức năng đã nhiều lần tìm đến các DN nhưng DN nào cũng đã không còn chủ. |
Người lao động là người chịu thiệt thòi nhất sau khi DN ngừng hoạt động, phá sản, giải thể, bỏ trốn. Bởi vì, ngoài việc nợ tiền BHXH, nhiều đơn vị còn nợ lương, trợ cấp thôi việc của công nhân. Đã có không ít công nhân tìm đến các ngành chức năng cầu cứu. Bà Ngô Thị Nhung, công nhân Công ty Cổ phần May Gió Mới cho biết: “Đến nay, đa số công nhân vẫn chưa được nhận sổ BHXH và khoản tiền trợ cấp thôi việc. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu công ty giải quyết nợ, trả sổ để công nhân đi tìm việc khác nhưng công ty chỉ hứa cho xong chuyện. Chúng tôi viết đơn khiếu nại gửi các ngành chức năng nhờ can thiệp nhưng cũng không nhận được câu trả lời. Rất mong các ngành chức năng sớm vào cuộc, có hướng giải quyết bảo đảm quyền lợi cho công nhân”.
Còn bà Huỳnh Thị Thu Duyên, nhân viên Công ty TNHH Ngọc Sương Nha Trang cho biết, dù biết DN làm ăn khó khăn mới bị phá sản, tuy nhiên tiền BHXH là công sức, quyền lợi chính đáng của người lao động. Do vậy, khi giải thể, thanh lý tài sản thì cần ưu tiên giải quyết quyền lợi của người lao động trước. Nhưng không hiểu sao, khi thanh lý tài sản, khoản nợ của công nhân đến nay vẫn chưa được giải quyết?. Trách nhiệm của các ngành chức năng là cần làm sáng tỏ vấn đề này, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động…
Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc quản lý BHXH tỉnh cho biết: “Thực trạng DN giải thể, phá sản, bỏ trốn nhưng vẫn đang nợ BHXH hiện vẫn chưa có hướng giải quyết. Vấn đề này, chúng tôi đã báo cáo cho BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Chính phủ nghiên cứu có nguồn bù bổ sung. Nếu xóa nợ thì người lao động sẽ bị mất trắng quyền lợi. Trong khi đó, ngành BHXH không thể lấy nguồn khác để bù vào được. Bởi lẽ, tất cả các nguồn quỹ BHXH đều là của người lao động, nếu lấy nguồn này, bổ sung cho khoản nợ thì người lao động khác sẽ bị thiệt thòi”.
PHÚ AN