Bước sang tháng 4, hàng loạt doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may xuất khẩu bị cắt đơn hàng. Điều này đặt ra những thách thức trong việc duy trì sản xuất cũng như đảm bảo việc làm cho người lao động. Nhiều đơn vị đã chuyển hướng sản xuất để cầm cự.
Đồng loạt bị cắt đơn hàng
Khi dịch Covid-19 lan rộng tại EU và Mỹ, các đối tác chuyên nhập khẩu hàng dệt may ở các thị trường này bắt đầu thông báo cắt đơn hàng, đề nghị giãn thời gian giao hàng tới 3 - 4 tháng, chờ thị trường phục hồi trở lại. Ông Lê Văn Hoạt - Trưởng phòng Nhân sự Xí nghiệp may Khatoco cho biết, ở Khánh Hòa có gần 50 DN may có từ 200 lao động trở lên; từ cuối tháng 3, đa phần DN đều bị cắt giảm đơn hàng. Như Xí nghiệp may Khatoco đã bị cắt giảm hơn 50% đơn hàng. Người lao động đã phải nghỉ việc 10 ngày để giảm chi phí cho DN. Tình hình này nếu cứ kéo dài, các DN dệt may sẽ lâm vào cảnh khó khăn.
Sang tháng 4, tình hình dịch bệnh bùng phát tại châu Âu và Mỹ, các đối tác ở 2 thị trường này tiếp tục đồng loạt cắt đơn hàng với số lượng lớn hơn. Hiện nay, các công ty chuyên may hàng xuất khẩu đi EU và Mỹ đều không còn đơn hàng để sản xuất. Trong khi đó, sự phục hồi của thị trường này hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19. Bà Dương Hải Uyên - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần May Cam Ranh cho biết: “Đến thời điểm này, công ty chúng tôi đã bị đối tác từ EU cắt hết đơn hàng đến tận tháng 6. Công ty đã liên lạc với các đối tác, song họ chưa có câu trả lời chính xác khi nào đặt hàng trở lại. Sự việc này chưa từng xảy ra”.
Được biết, thị trường Mỹ đang chiếm tỷ trọng đến 40% và EU khoảng 12% tổng giá trị xuất khẩu của các DN dệt may. Bởi vậy, động thái tạm ngừng nhập khẩu của Mỹ và EU chắc chắn sẽ tác động mạnh tới xuất khẩu dệt may thời gian tới. Theo phản ánh của một số DN, nếu Mỹ và EU ngừng nhập khẩu hàng dệt may trong nhiều tháng tới, khả năng nhiều DN ngành dệt may sẽ không cầm cự nổi. Nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước và sự chia sẻ khó khăn của người lao động, các đơn vị trong lĩnh vực này có nguy cơ phá sản rất cao.
Sản xuất khẩu trang để cầm cự
Với những khó khăn chồng chất, nhiều DN dệt may đã chọn phương án sản xuất khẩu trang như một giải pháp để cầm cự. Phương án này vừa giúp các công ty duy trì được doanh thu, đồng thời tạo việc làm cho người lao động để bộ máy sản xuất không bị xáo trộn. Tuy thời điểm hiện tại, thị trường khẩu trang vải trong nước đang dần bão hòa, song nhu cầu khẩu trang trên thế giới vẫn tăng cao do dịch Covid-19. Các đơn vị dệt may đã nhanh nhạy khi sản xuất được các loại khẩu trang vải thông thường, vải kháng khuẩn, không thấm nước, chống giọt bắn, thậm chí ngăn được tia UV hay khẩu trang phủ muối...
Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, nhờ sản xuất khẩu trang kháng khuẩn nên toàn bộ người lao động của công ty vẫn có việc làm ổn định. Công ty là một trong số ít các đơn vị dệt may chưa phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm. Theo ông Hùng, Việt Nam nằm trong top những nước dẫn đầu về xuất khẩu hàng dệt may. Với năng lực của một ngành tạo ra kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD/năm, hiện nay chuyển sang sản xuất khẩu trang, Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng cung ứng khẩu trang vải cho thế giới. Sự tiếp cận nhạy bén và chuyển đổi nhanh chóng giữa các sản phẩm dệt may truyền thống với mặt hàng khẩu trang sẽ là hướng đi quan trọng để các DN dệt may không chỉ cầm cự qua mùa dịch, mà còn có thể tạo ra một sân chơi mới, đem lại lợi ích cho DN và đất nước. Thời gian qua, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đã đưa ra thị trường khoảng 3 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn và chống tia UV. Mới đây, đơn vị tiếp tục nhận được đơn hàng 400.000 khẩu trang cho thị trường Mỹ. Đồng thời, công ty cũng đã được cơ quan y tế cấp chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm khẩu trang vải chống giọt bắn, kháng khuẩn 3 lớp. Đây chính là điều kiện để công ty tăng cường xuất khẩu mặt hàng này đi Mỹ và các nước khác. Trong thời điểm hiện nay, sản xuất khẩu trang chính là giải pháp hữu hiệu nhất để duy trì hoạt động của DN dệt may.
Đồng quan điểm này, bà Dương Hải Uyên cho rằng, bối cảnh thị trường hiện nay chỉ có sản xuất khẩu trang mới là giải pháp nhanh nhất cho ngành dệt may, nhưng thị trường trong nước đã bão hòa nên phải tập trung vào xuất khẩu. Điều này rất cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương trong việc kết nối cung cầu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, các DN nên xác định sản xuất khẩu trang là mặt hàng mang tính thời điểm. Nhu cầu khẩu trang có thể kéo dài đến hết năm, nhưng sẽ giảm dần. Về lâu dài, các DN mong sớm nhận được gói hỗ trợ từ Chính phủ để có vốn, duy trì hoạt động, sẵn sàng chuyển đổi về các sản phẩm truyền thống khi hết dịch.
Đình Lâm