5 năm qua, hơn 1.000 hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Đây là động lực giúp các hộ ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập để thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn phát huy hiệu quả
Theo bà Phạm Thị Thanh Nga - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Lạc, hiện nay, hội có hơn 60 hội viên sử dụng vốn từ chính sách tín dụng dành cho hộ mới thoát nghèo. Phần lớn các hộ sử dụng nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, trồng vườn, trồng cây ăn trái… Gia đình ông Lê Anh Dũng (thôn Thanh Minh 2) là hộ tiêu biểu nhất về sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay cho hộ mới thoát nghèo. Trên diện tích gần 3ha đất công của xã mà gia đình ông Dũng thuê để sản xuất, có nhiều loại cây đang đến độ thu hoạch, từ rau màu như: khổ qua, bầu, bí, cà chua đến cây ăn trái như: đu đủ, chuối cau… Ông còn nuôi thêm gà, heo và đào ao nuôi cá ở góc vườn. Gia đình ông Dũng thuộc hộ cận nghèo của xã trong nhiều năm. Năm 2015, gia đình ông được vay 50 triệu đồng theo diện chính sách tín dụng cho hộ nghèo và đã sử dụng vốn này để trồng keo tại xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh). Năm 2017, thu hoạch keo có lãi, gia đình ông thoát nghèo. Tuy nhiên, do không có nghề ổn định nên gia đình ông Dũng vẫn gặp khó trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Hội Nông dân xã đã giúp ông tiếp cận chính sách tín dụng dành cho hộ mới thoát nghèo với số vốn 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ông đầu tư mô hình vườn ao chuồng, lấy ngắn nuôi dài, mỗi năm thu về 60 - 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất. Thu nhập này cộng với lương công nhân của vợ, kinh tế gia đình ông dần ổn định và có tích góp. Từ chỗ đi làm thuê, làm mướn cho các hộ trong xã, hiện nay, ông Dũng đã làm chủ, thuê thêm nhân công làm vườn, tạo thu nhập cho 2 - 3 lao động địa phương.
Lãnh đạo Hội Phụ nữ xã Diên Xuân cho biết, từ khi có cơ chế tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, hội đã triển khai họp, bình xét cho vay theo từng tổ tiết kiệm và vay vốn. Các hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đã ra khỏi danh sách nhưng chưa thoát nghèo bền vững, khi được tiếp cận nguồn vốn này rất phấn khởi. Đến cuối năm 2019, hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 134 hội viên vay với số tiền 4,2 tỷ đồng, bình quân mỗi hội viên được vay từ 20 đến 50 triệu đồng. Khi hội viên có nhu cầu vay, hội sẽ kiểm tra, họp xét, bảo lãnh và trình Chủ tịch UBND xã đề nghị cho vay, không để bất cứ trường hợp nào có nhu cầu và đủ điều kiện mà không được vay, không để hội viên phải vay vốn “tín dụng đen”. Từ khi được vay tín dụng hộ mới thoát nghèo, nhiều hội viên đã tạo được mô hình sản xuất có hiệu quả. Đơn cử như hộ bà Nguyễn Thị Truyện (thôn Xuân Nam). Năm 2016, bà vay 50 triệu đồng để chăn nuôi gà và trồng keo. Đến nay, tổng đàn gà của gia đình bà gần 400 con, cho thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, gần 1ha keo của gia đình bà cũng dự kiến thu hoạch vào đầu năm sau.
Mong được tiếp tục triển khai
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo dành cho hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo với số vốn vay tối đa 50 triệu đồng. Đến năm 2019, Chính phủ tăng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lý - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diên Khánh cho biết, sau 5 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, toàn huyện có 1.868 lượt hộ vay với số tiền hơn 60,5 tỷ đồng. Đến ngày 31-12-2019, dư nợ cho vay đạt 43,9 tỷ đồng với 1.450 hộ vay. Qua khảo sát, đánh giá, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình như: chăn nuôi bò sinh sản, trồng keo, trồng cây ăn quả kết hợp các loại cây rau màu ngắn ngày hoặc hoa cây cảnh... Nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ ổn định kinh tế, không bị tái nghèo.
Các xã, đoàn thể đều mong muốn chương trình tiếp tục được triển khai nhằm giúp các hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025 được tiếp cận nguồn vốn này. Đây không chỉ mong muốn của địa phương mà còn là nguyện vọng của các hộ thuộc diện chính sách trên địa bàn huyện.
MAI HOÀNG