Điểm tựa cho ngư dân bám biển

Thứ tư - 26/05/2021 11:16
Lâu nay, đảo Đá Tây A luôn được coi là điểm tựa an toàn cho ngư dân các tỉnh miền Trung vươn khơi, bám biển. Tại đây, ngoài âu tàu rất lớn để tàu thuyền tránh trú bão, còn có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp dịch vụ để ngư dân đánh bắt hải sản.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Điểm tựa cho ngư dân bám biển

Lâu nay, đảo Đá Tây A luôn được coi là điểm tựa an toàn cho ngư dân các tỉnh miền Trung vươn khơi, bám biển. Tại đây, ngoài âu tàu rất lớn để tàu thuyền tránh trú bão, còn có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp dịch vụ để ngư dân đánh bắt hải sản.


Điểm tựa giữa trùng khơi


Vượt qua hàng trăm hải lý, tàu Trường Sa 571 đưa chúng tôi đến đảo Đá Tây A - 1 trong 3 cụm đảo chìm đảo Đá Tây thuộc huyện đảo Trường Sa vào những ngày đầu tháng 5. Điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi đó là tại đảo Đá Tây A có âu tàu rộng, tàu bè ngư dân tấp nập vào ra tiếp nhận dầu, thực phẩm, nước đá… tại Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo. Theo các ngư dân, nhiều năm qua, điểm đảo này luôn là điểm đến an toàn của ngư dân trong những chuyến ra khơi suốt dọc vùng duyên hải miền Trung đến cực Nam của Tổ quốc. Đặc biệt, các tàu cá khi đến đây còn được cung cấp nhiều dịch vụ khác từ Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá để khai thác ngư trường biển xa.

 

Nhiều tàu thuyền của ngư dân neo đậu tại đảo Đá Tây A.

Nhiều tàu thuyền của ngư dân neo đậu tại đảo Đá Tây A.


Vừa vận chuyển đá lạnh lên tàu, ông Trần Hùng Đại - ngư dân tàu cá Ninh Thuận chia sẻ: “Ngư dân chúng tôi rất yên tâm khi đánh bắt trên vùng biển gần đảo Đá Tây A. Mỗi khi hết dầu, hết đá, thiếu nước ngọt... tàu chạy vào âu tàu để được cung ứng. Nếu có bão, đây cũng là nơi neo đậu tránh trú an toàn. Đặc biệt, khi đánh bắt được nhiều cá, ngư dân vào đây bán, lấy dầu, lấy đá rồi lại tiếp tục đánh bắt”.

 

Ông Phạm Văn Lẹt, ngư dân tỉnh Ninh Thuận đã có 3 lần đưa tàu cá của mình vào âu tàu đảo Đá Tây A tránh trú bão an toàn. “Nếu không có âu tàu này thì bình thường tàu của chúng tôi phải chạy mất 3 ngày mới đến được nơi tránh trú bão. Đặc biệt, khi cần nhiên liệu, thay vì phải mất từ 2 đến 3 ngày chạy vào đất liền như trước đây thì bây giờ, tôi chỉ cần canh lượng dầu trên tàu vừa đủ chạy đến âu tàu này mua nhiên liệu rồi tiếp tục đánh bắt”, ông Lẹt nói.

 

Ngư dân đưa đá từ đảo Đá Tây A lên tàu.

Ngư dân đưa đá từ đảo Đá Tây A lên tàu.

 

Tất cả vì ngư dân

 

Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa có 6 âu tàu: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây. Theo lộ trình, những âu tàu ở các đảo này sẽ được hiện đại hóa, đủ sức chứa hàng ngàn tàu lớn nhỏ đến trú tránh bão. Các âu tàu cũng có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải 1.000 - 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão và thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật. Đến năm 2020, quần đảo Trường Sa có 6 khu neo đậu hiện đại kết hợp cảng cá tại các đảo: Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Đá Tây, Nam Yết, Phan Vinh.

Theo tìm hiểu, tận dụng lợi thế như lòng hồ tự nhiên ở cụm đảo Đá Tây, từ tháng 5-2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên thềm san hô. Sau khi đưa vào hoạt động, trung tâm đã cung ứng nhiều dịch vụ hậu cần cho ngư dân đánh bắt trên ngư trường Trường Sa, như: Nước ngọt miễn phí; cung cấp xăng dầu, lương thực, thực phẩm; sửa chữa tàu thuyền; tham gia cứu hộ tàu thuyền gặp nạn trên biển. Đây là nơi cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất tại Trường Sa, là hậu phương vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển. Tính riêng năm 2018, trung tâm đã cung ứng hơn 22 tấn lương thực, thực phẩm, hơn 250.000 lít nhiên liệu, cấp miễn phí hơn 55.000 cây đá và hơn 150m3 nước ngọt cho ngư dân. Năm 2020 và quý I/2021, trung tâm đã tạo điều kiện thuận lợi cho 2.735 lượt tàu của ngư dân khai thác hải sản; hỗ trợ một lượng lớn nước ngọt, gạo, nhu yếu phẩm khi tàu cá vào âu tàu tránh bão.


Công tác ở đảo Đá Tây A hơn 10 năm, ông Phạm Trí Vinh - cán bộ Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông chia sẻ: “Ngoài việc cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, công ty còn sửa chữa tàu thuyền miễn phí tiền công cho ngư dân, chỉ tính tiền vật tư; cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xăng dầu với giá bằng ở đất liền”.


Cùng với lực lượng hải quân, cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá còn có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền chủ quyền biển, đảo; cứu hộ, cứu nạn; động viên ngư dân yên tâm bám biển, giữ vững môi trường hòa bình trên biển. Trung tâm đang góp phần cùng với hải quân Việt Nam hỗ trợ đắc lực để tàu thuyền ngư dân vươn khơi, khẳng định chủ quyền trên vùng biển đảo của Tổ quốc.


THANH TRÚC

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp