Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiến độ trồng rừng

Thứ hai - 02/08/2021 13:03
Năm nay, mưa dông trải đều ở các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, thuận lợi cho việc triển khai trồng rừng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, khó khăn về nhân công nên tiến độ trồng rừng của các đơn vị chủ rừng nhà nước bị ảnh hưởng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới trồng được 200ha rừng, đạt 36,4% kế hoạch năm.  Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiến độ trồng rừng

Năm nay, mưa dông trải đều ở các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, thuận lợi cho việc triển khai trồng rừng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, khó khăn về nhân công nên tiến độ trồng rừng của các đơn vị chủ rừng nhà nước bị ảnh hưởng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới trồng được 200ha rừng, đạt 36,4% kế hoạch năm. 

 
Thiếu nhân công


Năm nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa sẽ trồng mới 70ha rừng phòng hộ thay thế tại khu vực Sơn Tân (huyện Cam Lâm). Tuy nhiên, tiến độ trồng rừng của đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Nhân công trồng rừng chủ yếu đến từ tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, toàn bộ nhân công đã về quê để tránh dịch. Vì vậy, đơn vị đang gặp khó khăn về nhân công để phát dọn hiện trường, trồng mới 70ha rừng phòng hộ thay thế tại xã Sơn Tân. Bên cạnh đó, 95ha rừng sản xuất cũng chưa thể triển khai được”, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cho biết.

 

Tiến độ trồng rừng của các đơn vị chủ rừng nhà nước  bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Tiến độ trồng rừng của các đơn vị chủ rừng nhà nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)


Năm nay, Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa có kế hoạch trồng mới 92,47ha rừng sản xuất. Tuy nhiên, việc chuẩn bị hiện trường trồng rừng mới thực hiện được 1/3 đã phải dừng lại vì dịch bệnh. Công ty chưa xác định được đến thời điểm nào mới có thể tiếp tục triển khai. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa có kế hoạch trồng mới 66,1ha rừng phòng hộ thay thế, nhưng đến thời điểm này chưa trồng được héc-ta nào. Còn với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, tuy không có kế hoạch trồng rừng trong năm nay nhưng dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến việc chăm sóc 30ha rừng trồng 1 - 2 năm tuổi trong lâm phận của đơn vị, bởi không thể thuê mướn nhân công để triển khai.


Chuẩn bị trồng rừng đợt 2


Trong số các đơn vị chủ rừng nhà nước, chỉ có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương đã triển khai nhanh kế hoạch trồng rừng năm nay. Đến hết tháng 7, đơn vị đã trồng mới được 200/225,83ha rừng sản xuất. Theo đại diện công ty, nhờ chủ động triển khai công tác chăm sóc, trồng mới rừng từ tháng 3, đơn vị đã thuê mướn hơn 400 nhân công từ các địa phương trong và ngoài tỉnh, bố trí ăn ở, làm việc trong rừng để tiến hành chăm sóc rừng đợt 1, chuẩn bị hiện trường và tiến hành trồng theo hình thức cuốn chiếu. Trong giai đoạn phòng, chống dịch hiện nay, đơn vị quản lý chặt số nhân công này, tuyệt đối không để rời khỏi rừng, bố trí nơi ăn ở, làm việc theo từng tốp 15 - 20 người, cung cấp lương thực, thực phẩm tận nơi.

 


Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, hàng năm, mùa vụ trồng rừng diễn ra trong 2 đợt: Đợt 1 vào khoảng tháng 6 và 7, khi trời có mưa dông; đợt 2 vào khoảng tháng 9 và 10, là đầu mùa mưa. Năm nay, tuy mưa dông xuất hiện nhiều ở các địa phương trong tỉnh nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên diện tích trồng rừng tập trung trong đợt 1 toàn tỉnh chỉ đạt 36,4% kế hoạch, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trồng rừng sản xuất được 220ha, đạt 47,6% kế hoạch, còn trồng rừng phòng hộ 136ha mới đang trong giai đoạn chuẩn bị. Trong khi đó, diện tích rừng trồng được chăm sóc tương đương năm trước, đạt hơn 1.630ha. Để bảo đảm kế hoạch trồng rừng được giao, các đơn vị cần chuẩn bị đủ cây giống, sẵn sàng hiện trường trồng rừng, nhân công để kịp bắt tay vào trồng rừng đợt 2, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.


Qua trao đổi với lãnh đạo các đơn vị chủ rừng nhà nước, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều đơn vị lựa chọn thuê mướn nhân công tại chỗ để triển khai công tác chuẩn bị trồng rừng; một số đơn vị làm việc với chính quyền cơ sở để xin phép đưa nhân công ngoài tỉnh vào làm việc trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.  


HẢI LĂNG

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp