Địa phương thiếu vật tư, sinh phẩm xét nghiệm vì 'không dám mua'

Thứ sáu - 07/08/2020 22:18
“Nguồn sinh phẩm hiện tại chủ yếu dựa vào viện trợ, chưa có đơn vị nào đứng ra hướng dẫn. Các địa phương cũng không dám tự mua vì sợ vi phạm”, đại diện ngành y tế Thái Bình nói.
Địa phương thiếu vật tư, sinh phẩm xét nghiệm vì 'không dám mua'

Đó là tình trạng của nhiều địa phương trong bối cảnh dịch phức tạp hiện nay.

Địa phương gặp khó khi muốn chủ động

Theo một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, khó khăn không chỉ riêng ở địa phương này, hầu hết tỉnh, thành khác cũng không mua được sinh phẩm xét nghiệm bởi cơ chế và thủ tục theo quy định đấu thầu.

“Chúng tôi lo ngại việc dùng test nhanh có khả năng chẩn đoán không chính xác như trường hợp bệnh nhân ở Hà Nội mới đây. Hiện nay, sinh phẩm để xét nghiệm rRT-PCR không thiếu nhưng thủ tục đấu thầu rất khó khăn", đại diện Sở Y tế tỉnh Thái Bình chia sẻ.

Chẳng hạn, mua bộ xét nghiệm hiện cần có 3 báo giá để làm căn cứ xác định dự toán giá gói thầu. Trong khi đó, bộ xét nghiệm này chỉ có một đơn vị độc quyền được công nhận, không báo giá cụ thể. Do đó, tỉnh này mong muốn Bộ Y tế công bố bảng giá các thiết bị phòng, chống dịch để địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch mua, tránh sai phạm.

“Nguồn sinh phẩm hiện tại chủ yếu dựa vào viện trợ, chưa có đơn vị nào đứng ra hướng dẫn. Các địa phương cũng không dám tự mua vì sợ vi phạm”, người này nói thêm.

Ngoài sinh phẩm xét nghiệm, đại diện Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết đối các vật tư tiêu hao như nước rửa tay, khẩu trang... địa phương này đang đáp ứng tốt. Tuy nhiên, khi xuất hiện nhiều ca bệnh như Đà Nẵng, giá vật tư lúc này sẽ đi theo thị trường.

thieu vat tu sinh pham xet nghiem anh 1

Nhiều địa phương thiếu vật tư, sinh phẩm xét nghiệm nhưng chưa chủ động mua được. Ảnh: Duy Hiệu.

“Điều chúng tôi lo lắng là nếu dịch bùng phát, việc điều trị có thể gặp khó khăn do toàn tỉnh hiện còn 14 máy thở. Ngoài ra, tỉnh đang thiếu bộ xét nghiệm. Chúng tôi không thiếu kinh phí và đang quyết liệt phòng, chống dịch nhưng lại gặp khó khăn khi mua thiết bị”, người này nói thêm.

Về giải pháp, đại diện ngành y tế Thái Bình nói: "Giá cả trên thị trường không có đơn vị kiểm soát. Do vậy, Trung ương cần sớm công bố giá sàn các thiết bị này. Theo tôi, chính phủ cần có cơ quan đứng ra quản lý để ngành y tế tập trung chuyên môn chống dịch, điều trị người bệnh".

Một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông cũng chia sẻ với Zing vấn đề khó khăn của tỉnh không phải ở vật tư, sinh phẩm mà ở giá thành. Nguyên nhân là trung ương chưa đưa ra thống nhất về giá. Trong tình hình dịch phức tạp hiện nay, địa phương này cũng gặp nhiều khó khăn.

"Thông thường, khi mua sắm vật tư, sở y tế sẽ đấu thầu tập trung. Khi diễn biến dịch phức tạp, các nhà cung ứng sẽ hướng theo thời giá thị trường, không thống nhất theo khung giá. Giá của các vật tư rất khác nhau, chúng tôi và cả nhà cung ứng cũng gặp khó khăn. Chúng tôi cũng đang vướng mắc ở việc mua vật tư tiêu hao như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn", người này nói thêm.

Hiện tại, CDC Đắk Nông được Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ các vật tư như que lấy mẫu bệnh phẩm. Các mẫu cũng được gửi về cơ quan này để chạy xét nghiệm Covid-19. Theo cán bộ này, khi muốn chủ động chuẩn bị các vật tư, Đắk Nông lại gặp khó khăn về giá thành.

thieu vat tu sinh pham xet nghiem anh 2

Các địa phương tìm cách chủ động chuẩn bị vật tư tiêu hao, sinh phẩm nhưng gặp khó khăn do chưa thống nhất giá. Ảnh: Việt Hùng.

Cần tăng năng suất xét nghiệm

Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết địa phương này đang tìm cách chủ động xét nghiệm.

“Khánh Hòa vẫn nhờ Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm. Tuy nhiên, thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo sở y tế chủ động lắp đặt máy, triển khai xét nghiệm chẩn đoán Covid-19”, ông Minh thông tin.

Nói về khó khăn trong vấn đề mua vật tư tiêu hao, sinh phẩm xét nghiệm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Đây là thực trạng chung của các tỉnh”.

Tại TP.HCM, với hơn 13.000 người chưa được lấy mẫu, ngành y tế đang đề xuất Bộ Y tế công nhận thêm 8 đơn vị đủ năng lực xét nghiệm.

Hiện tại, TP.HCM có 12 đơn vị xét nghiệm Covid-19, năng lực đạt khoảng 2.000-2.500 mẫu/ngày, riêng Viện Pasteur TP.HCM có thể chạy khoảng 2.000 mẫu/ngày. Sở Y tế TP.HCM cho biết cơ quan này sẽ có văn bản đặt hàng Viện Pasteur TP.HCM thực hiện xét nghiệm cho thành phố theo mức giá của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội quy định.

Đáp lại đề nghị của thành phố, Viện Pasteur TP.HCM cho biết sẽ báo cáo Bộ Y tế để được đấu thầu sinh phẩm và cố gắng tăng công suất tối đa khoảng 5.000-10.000 mẫu.

Khác với các địa phương trên, tại Đồng Nai, TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc sở y tế tỉnh, cho biết hiện tại, địa phương này đảm đương được vấn đề vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, chưa gặp khó khăn trong việc mua các trang thiết bị.

Phương châm "4 tại chỗ"

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ trang thiết bị, Công trình y tế (Bộ Y tế), cho hay cơ quan này thường xuyên tổng hợp, cập nhật, thông báo danh sách các đơn vị sản xuất và nhập khẩu sinh phẩm chẩn đoán. Tuy nhiên, phương án và kế hoạch mua sắm như thế nào, các địa phương cần liên hệ cơ quan chuyên môn.

Thông tin với Zing, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho hay về vấn đề thiếu sinh phẩm, vật tư, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần chủ động theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời, địa phương thực hiện mua sắm theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trường hợp cần thiết về chỉ định thầu, địa phương sẽ tự quyết định.

Việc cần làm khi Covid-19 bùng phát trở lại Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, hạn chế tụ tập nơi đông người để ngăn ngừa nhiễm bệnh khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Vì sao nên dừng xét nghiệm nhanh Covid-19?

GS Nguyễn Anh Trí khẳng định hiện tại, nhiệm vụ số một là tìm virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người nghi nhiễm. Xét nghiệm nhanh không đáp ứng được yêu cầu này.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp