Thời gian gần đây, các mặt hàng dệt may đang có dấu hiệu giảm sút đơn hàng. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ tiếp tục căng thẳng, các doanh nghiệp (DN) dệt may sẽ còn gặp nhiều thách thức.
Đơn hàng tụt giảm
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, đến hết tháng 8-2019, xuất khẩu dệt may cả tỉnh đạt gần 51 triệu USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống như: Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc... vẫn giữ mức ổn định. Tuy nhiên, các DN cho biết, phần lớn đơn hàng đã được ký kết từ năm trước. Số đơn hàng trong năm 2019 đang gặp nhiều trở ngại. Trong đó, việc xuất khẩu mặt hàng sợi giảm mạnh. Chỉ tính riêng tháng 8, sản xuất mặt hàng này giảm tới 52,27% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, khiến nhu cầu sử dụng sợi từ Việt Nam giảm đáng kể.
Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, đa phần mặt hàng sợi đều xuất khẩu sang Trung Quốc. Thị trường này đang chiếm hơn 80% đơn hàng của các DN trong tỉnh. Do đó, khi cuộc chiến thương mại xảy ra, ngành dệt may của Trung Quốc bị ảnh hưởng thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo. Bên cạnh đó, tình hình chính trị trên thế giới liên tục thay đổi và khó lường, các DN nước ngoài cũng thận trọng hơn trong kinh doanh. Vì vậy, hiện nay không còn những đơn hàng lớn cho dệt may Việt Nam. Từ nay đến cuối năm, chủ yếu là các đơn hàng nhỏ, giá cả cũng khắt khe hơn và đòi hỏi cao hơn.
Tình hình đơn hàng tụt giảm không chỉ xảy ra với các DN xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các đơn vị xuất khẩu đi các thị trường khác cũng có dấu hiệu chững lại. Theo phán đoán ban đầu, khả năng các DN nước ngoài lo ngại về xuất xứ hàng hóa, bởi rất nhiều sản phẩm may mặc của Việt Nam có nhập sợi từ Trung Quốc. Ông Lê Văn Hoạt - Trưởng phòng Hành chính Xí nghiệp may Khatoco cho biết: “Từ đầu năm đến tháng 8, chúng tôi vẫn tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ. Song từ tháng 9, các đơn hàng đột ngột giảm. Thông thường những năm trước, đến thời điểm này, khách hàng đã đặt xong đơn hàng cuối năm. Nhưng năm nay khả năng sẽ khó khăn hơn nhiều, các đơn hàng lớn giảm, thay vào đó là các đơn hàng nhỏ, lẻ”.
Cần Thay đổi phương án sản xuất kinh doanh
Thời gian qua, mặt hàng dệt may đóng góp một phần vào ngân sách địa phương, tạo ra một lượng lớn việc làm cho người lao động. Trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, đặc biệt với các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, dệt may được đánh giá là lĩnh vực có thế mạnh. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, những diễn biến gần đây của kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu sắp tới sẽ gặp không ít khó khăn. Để có thể phát triển bền vững, các đơn vị dệt may cần sớm có giải pháp thích hợp; dần từ bỏ sản xuất theo phương pháp gia công, để tập trung nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc làm hàng trọn gói, mang thương hiệu riêng; chủ động từ nguồn nguyên liệu cho đến thiết kế, sản xuất thành phẩm và phân phối đến tận tay khách hàng.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương: Sở đã đề nghị các DN báo cáo vướng mắc về thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, hoàn thuế… để sở tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh, Bộ Công Thương cùng các cơ quan hữu quan nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trước mắt. Đồng thời, sở tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hội thảo, tập huấn, đào tạo về chứng nhận xuất xứ hàng hóa; vận động, hỗ trợ các DN đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ, giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cần trợ giúp các đơn vị sản xuất dệt may tìm biện pháp để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. |
Ông Võ Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển trang phục nữ kiểu Pháp, Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm) cho rằng: “Hiện nay, cạnh tranh giá hết sức gay gắt, bởi giá đơn hàng đều được đấu thầu công khai trên mạng. Vì vậy, để có thể cạnh tranh được với các DN dệt may của nước ngoài, chúng ta cần tạo được thương hiệu mạnh. Bên cạnh đó, phải đào tạo được nguồn lao động có chất lượng, thời gian giao hàng phải chính xác và nhanh”.
Được biết, để đối phó với những khó khăn trước mắt, hiện nay, các DN dệt may trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu hình thành chuỗi cung ứng khép kín. Như Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đã gia tăng chuỗi cung ứng khép kín từ sợi, dệt, nhuộm, may và mở rộng năng lực sản xuất sợi chỉ may, sản xuất vải denim và dệt kim; tiếp tục áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để rút ngắn quy trình, giảm chi phí lao động và tiêu hao nguyên vật liệu, giảm lỗi và hỏng sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty tạo chuỗi cung ứng linh hoạt với các nhà máy sản xuất sợi polyester, sợi cotton và sợi dệt kim. Khi xuất khẩu sợi gặp khó khăn, công ty tính đến phương án đưa sợi xuất khẩu vào sản xuất sản phẩm để bán trong nước. Đồng thời, hạn chế nguồn nguyên liệu sợi nhập khẩu từ Trung Quốc và chủ động nhiều hơn trong sản xuất. Nhiều đơn vị sản xuất cũng đang hướng đến tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa; từng bước tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới. Song song đó, các DN mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngành Dệt may về vốn, công nghệ, liên kết các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh khâu quảng bá để tạo dựng thương hiệu dệt may Việt Nam trên thị trường.
Thời gian tới, các DN cần xây dựng chuỗi cung ứng nhằm hạ giá thành sản phẩm cũng như đáp ứng chất lượng, tiến độ giao hàng, như vậy mới có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Ngoài ra, các DN cần chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường để có thêm nhiều lựa chọn khi ký kết đơn hàng.
Đình Lâm