Để tháo gỡ khó khăn cho tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát, tiến tới đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét phương án hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu 67.
Giảm mức hỗ trợ bảo hiểm tàu cá
Được tạo điều kiện cho vay vốn theo Nghị định 67, ông Lê Văn Tèo (Hòn Rớ, TP. Nha Trang) đã mạnh dạn vay vốn để đóng mới tàu cá. Đến giữa năm 2018, tàu cá của ông đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Điều khiến ông Tèo băn khoăn là việc thực hiện chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho tàu cá của gia đình mình. “Tàu cá của gia đình tôi có trị giá thân tàu gần 11 tỷ đồng, chi phí mua bảo hiểm năm 2019 là 78,9 triệu đồng. Đây là con số khá lớn trong điều kiện khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Nếu theo quy định của Nghị định 67 thì tôi được hỗ trợ 90% chi phí mua bảo hiểm, còn theo quy định hiện nay, tôi chỉ được hỗ trợ 50%. Do đó, tôi mong muốn UBND tỉnh xem xét hỗ trợ 40% chênh lệch này”, ông Tèo nói.
Nhiều người có tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 cũng có chung nguyện vọng được tỉnh xem xét hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm. Được biết, vấn đề liên quan đến chi phí mua bảo hiểm tàu cá phát sinh khi Nghị định số 17 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 có hiệu lực từ ngày 25-3-2018. Theo đó, mức ngân sách nhà nước hỗ trợ bảo hiểm tàu cá có sự thay đổi, ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá chỉ còn được hỗ trợ hàng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, thay vì mức hỗ trợ 90% như quy định của Nghị định 67. Do các tàu cá có vốn vay lớn, chi phí bảo hiểm cao nên ở nhiều địa phương trong cả nước, chủ tàu không mua bảo hiểm vẫn ra khơi; một khi gặp rủi ro, sự cố, ngành Ngân hàng sẽ gánh khoản nợ xấu của các chủ tàu này.
Sẽ tham mưu đề xuất phương án hỗ trợ
Hiện nay, toàn tỉnh có 31 chủ tàu vay vốn nâng cấp, đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh đang mua bảo hiểm tại 3 đơn vị gồm: Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Công ty Bảo hiểm Dầu Khí. Năm 2019, chi phí bảo hiểm thân tàu được các đơn vị bảo hiểm tính toán trên cơ sở 80% trị giá ban đầu của con tàu; tính đến thời điểm ngày 25-11, toàn bộ 31 tàu cá có bảo hiểm còn hiệu lực, tổng số tiền để mua bảo hiểm trong năm 2019 của các tàu cá này gần 1,8 tỷ đồng. |
Để tháo gỡ khó khăn về chi phí mua bảo hiểm cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan căn cứ khả năng ngân sách thực tế của tỉnh, rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kinh phí từng năm cho chủ tàu để mua bảo hiểm thân tàu theo quy định, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản thế chấp trong quá trình khai thác thủy sản xa bờ.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Một số địa phương trong nước có tình trạng ngư dân không mua bảo hiểm nhưng vẫn vươn khơi. Tại Khánh Hòa, năm nay, toàn bộ 31 tàu cá vay vốn đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 đều có bảo hiểm. Để tháo gỡ khó khăn về chi phí bảo hiểm thân tàu sau khi Nghị định 17 có hiệu lực, chúng tôi đang phối hợp với ngân hàng, các địa phương có liên quan tiến hành rà soát, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho ngư dân. Chúng tôi sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh xem xét phương án hỗ trợ 40% chi phí mua bảo hiểm năm 2019 cho 31 tàu cá đóng mới, nâng cấp hiện có theo Nghị định 67, với tổng số tiền gần 720 triệu đồng”.
Ngoài khó khăn về chi phí mua bảo hiểm thân tàu, nhiều chủ tàu cho biết họ còn gặp một số khó khăn liên quan đến việc không mua được bảo hiểm cho số ngư cụ trên tàu. Tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho biết, việc thực hiện bảo hiểm đối với ngư cụ rất khó, bởi việc đánh giá, xác định mức độ thiệt hại, nhất là khi tàu hoạt động trên biển rất khó khăn.
HẢI LĂNG