Sáng 6-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)”. Tại đầu cầu Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Tận dụng lợi thế
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi nhằm đề xuất giải pháp về 6 nhóm vấn đề lớn liên quan đến công tác truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng như các giải pháp về tận dụng hiệu quả cam kết; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp (DN); các yêu cầu về phát triển bền vững; cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU.
Đối với Khánh Hòa, hiện nay có 2 mặt hàng chủ lực được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định EVFTA là thủy sản và dệt may, trong tương lại gần mặt hàng đồ gỗ và nhiều nông sản khác cũng có cơ hội để mở rộng thị trường. Về lĩnh vực dệt may, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Công ty Cổ phần May Cam Ranh, Xí nghiệp may Khatoco… là những đơn vị có sản phẩm tiêu thụ ở thị trường châu Âu nhiều nhất. Hiện nay hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, cơ hội để tăng kim ngạch xuất khẩu càng cao hơn và khả năng vượt mức 100 triệu USD trong năm 2020 là hoàn toàn có cơ sở (năm 2019 đạt gần 80 triệu USD). Trong khi đó, thủy sản và một số mặt hàng nông sản khác sẽ nâng được sức cạnh tranh, gia tăng giá trị khi thuế quan sẽ được giảm về 0%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh mỗi năm đạt khoảng gần 600 triệu USD, chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh. Toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành, trong đó có nhiều DN lớn như: Công ty TNHH Hải Vương, Công ty CBXK F17, Công ty TNHH Hải Long, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH Tín Thịnh…
Theo ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Hiệp định EVFTA là lợi thế cho mặt hàng xuất khẩu của Khánh Hòa như dệt may, cà phê... Đặc biệt là thủy sản, hiện cá ngừ đang đánh thuế tại EU là 21%, các thủy sản khác là 9 - 15%, và theo lộ trình sẽ giảm 0% là điều kiện rất tốt, mở ra nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm… Đặc biệt, Hiệp định EVFTA giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường EU.
Tiếp tục tích cực triển khai hiệp định
Trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các DN tại Khánh Hòa xem Hiệp định EVFTA là cơ hội góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt với các DN xuất khẩu thủy sản, thuế giảm nhanh tạo điều kiện cạnh tranh với các DN nước ngoài trên thị trường châu Âu. Bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng đại diện VCCI tại Khánh Hòa cho biết, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mặt hàng tôm đông lạnh sẽ được hưởng mức thuế 0% thay vì 12% như trước kia. Các mặt hàng khác cũng giảm nhanh theo lộ trình. Đây sẽ là một trợ lực đáng kể giúp DN trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh ước được 687,52 triệu USD, giảm 26,67% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 32,41% (do Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam xuất tàu biển giảm 4 chiếc và giảm 36,98% về giá trị; chỉ đạt 325,79 triệu USD); kinh tế tư nhân giảm 20,85% (đạt 332,32 triệu USD); kinh tế nhà nước giảm 17,98%; kinh tế tập thể giảm 9,16%. Tuy nhiên, tính chung trong 7 tháng của năm 2020, DN trên địa bàn tỉnh vẫn xuất siêu được 246,78 triệu USD, bằng 35,89% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. |
Ông Lê Hữu Hoàng cho biết, thời gian qua UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng như VCCI tại Khánh Hòa đã mời các chuyên gia kinh tế phổ biến kinh nghiệm cũng như các hàng rào pháp lý cho các DN khi tham gia vào thị trường EU. Sau hội nghị trực tuyến với Chính phủ về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)”, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Công Thương trong tháng 8 phải tổ chức hội nghị phổ biến những lợi ích, quy định của Hiệp định EVFTA và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị này đến các DN trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nhanh chóng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các DN trong việc triển khai thực hiện hiệp định, nhất là trong tình hình ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, để UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ và có hướng dẫn phù hợp.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA; tăng cường cơ chế phối hợp, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình áp dụng và triển khai các cam kết theo hiệp định, đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất. Thủ tướng lưu ý về khâu đào tạo nguồn nhân lực về quản lý nhà nước trong hội nhập kinh tế quốc tế; giao Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các địa phương thực hiện tốt vấn đề này. Bên cạnh đó, Thủ tướng khuyến nghị các DN cần phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, liên kết với nhau để đi xa hơn, chú ý hơn đến việc bảo đảm các nghĩa vụ xã hội, tiêu chuẩn lao động và nguyên tắc bảo vệ môi trường. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ làm vai trò kiến tạo phát triển, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, định hướng, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hành động để có thể nắm bắt được các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Đình Lâm