Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Thứ năm - 02/05/2019 12:55
So với các năm trước, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện đang giảm mạnh.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Đẩy mạnh thu hút đầu tư

So với các năm trước, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện đang giảm mạnh.


Thu hút đầu tư giảm


Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hết quý I/2019, toàn tỉnh chỉ thu hút được 2 dự án FDI. Trong đó, một dự án đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Ninh Thủy có tổng vốn 58 tỷ đồng; dự án còn lại đầu tư vào KCN Suối Dầu với tổng vốn 40 tỷ đồng. Hiện tại, cũng chỉ có 425 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước) và 230 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động. Tổng số vốn đăng ký khoảng 1.605 tỷ đồng (giảm 49% so với cùng kỳ năm trước).

 

Tập trung kêu gọi đầu tư  vào Cụm công nghiệp Sông Cầu.

Tập trung kêu gọi đầu tư vào Cụm công nghiệp Sông Cầu.


Đáng ngại hơn, đà tụt giảm thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài đã bắt đầu từ năm trước. Cả năm 2018 chỉ thu hút được 39 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9.000 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung vào một vài khu vực chính như: Khu kinh tế (KKT) Vân Phong, KCN Ninh Thủy. Nếu so với những năm gần đây, chỉ số thu hút đầu tư đều giảm rất sâu (chỉ bằng gần 60% năm 2017). Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu của các dự án cũng thấp hơn rất nhiều lần. Nếu như năm 2017 đạt 62.000 tỷ đồng thì đến năm 2018 chỉ còn 9.000 tỷ đồng và quý I/2019 mới đạt hơn 1.600 tỷ đồng.


Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong cho biết, nguyên nhân thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa cao là do kinh tế thế giới có nhiều biến động, chính sách đầu tư của các nước có những điều chỉnh. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư nước ngoài trên thế giới có xu hướng giảm, trong khi chi phí nhân công, môi trường kinh doanh giữa các nước đang gia tăng.


Ngoài ra, Đặc khu kinh tế bắc Vân Phong đang trong tình trạng chờ nên các chính sách thu hút đầu tư gần như dừng lại. Trong khi một số khu, cụm công nghiệp như: Diên Phú, Suối Dầu, Trảng É đã lấp đầy diện tích đất công nghiệp nên ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư. Vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn, điều kiện hạ tầng và sự cạnh tranh từ các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng là yếu tố bất lợi cho thu hút đầu tư của tỉnh.


Nhiều giải pháp

 

Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Trong thời gian tới, các hoạt động xúc tiến đầu tư cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Đặc biệt, tập trung vào các đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài vào các ngành, dự án có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường và có tính lan tỏa nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư liên quan. Đẩy mạnh kêu gọi các công ty đa quốc gia có tiềm lực, kinh nghiệm nhằm khai thác mạng lưới kinh doanh và quan hệ đối tác rộng lớn. Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, tập trung tạo điều kiện cho các dự án đã được cấp phép nhanh chóng triển khai. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp thông tin nhanh, chính xác cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và từng bước nâng cao tính cạnh tranh môi trường đầu tư của tỉnh so với các địa phương khác trong khu vực.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc thu hút vốn đầu tư hiện chưa xứng với tiềm năng. Bởi so với các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Khánh Hòa có tiềm năng, lợi thế vượt trội. Thế nhưng đến thời điểm này, tỉnh mới chỉ thu hút được 95 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 3,5 tỷ USD. Số lượng này quá khiêm tốn so với một số tỉnh, thành. Đáng lưu ý, trong các dự án đã thu hút, sự hiện diện của các tập đoàn lớn, nhà đầu tư đa quốc gia còn ít.


Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hướng đến các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và một số nước EU, các nước có quan hệ ngoại giao, kết nghĩa với Khánh Hòa để kêu gọi đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin - tuyên truyền đến các đối tác, các nhà đầu tư, các cơ quan ngoại giao, thông tấn, báo chí trong và ngoài nước về con người, hình ảnh, môi trường đầu tư, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh. Đặc biệt, sẽ tập trung thu hút vốn đầu tư của Nhật Bản vào khu vực sản xuất công nghiệp tập trung Ninh Thọ với tổng diện tích 235ha, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 200 triệu USD.

 

Ngoài ra, để chặn đà tụt giảm thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tập trung thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KKT, KCN, cụm công nghiệp; phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị và tăng năng suất; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm. Trong khi chờ các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo ở Đặc khu kinh tế bắc Vân Phong của Trung ương, tỉnh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN Ninh Thủy - giai đoạn 2; Cụm công nghiệp Diên Thọ, Cụm công nghiệp Sông Cầu…; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tốt giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư, đẩy nhanh thủ tục cấp phép xây dựng.


Đình Lâm
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp