Để ngành dịch vụ phát triển nhanh và bền vững, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có kế hoạch cơ cấu lại ngành này. Trong đó, các mục tiêu, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện được vạch ra khá rõ ràng nhằm gắn dịch vụ với phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Cơ cấu lại theo hướng hiện đại
Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ mà UBND tỉnh ban hành được xem là khung nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và địa phương trong thực hiện mục tiêu phát triển ngành dịch vụ và phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2025. Trong đó, yêu cầu phát triển ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả và bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, đảm bảo khai thác tốt các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế. UBND tỉnh xác định cơ cấu lại ngành này phải có trọng tâm, trọng điểm, khả thi và tác động mạnh, kịp thời trên thực tiễn. Khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân là lực lượng quan trọng trong thực hiện quá trình cơ cấu lại ngành dịch vụ. Ngoài ra, việc cơ cấu phải tiếp cận với trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực; lồng ghép việc thực hiện các cam kết quốc tế về dịch vụ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
Mục tiêu của kế hoạch là tập trung nguồn lực phát triển một số lĩnh vực dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch...; thực hiện các chính sách phát triển ngành, tạo khuôn khổ chính sách đồng bộ hướng vào việc xây dựng ngành dịch vụ chất lượng, hiệu quả và cạnh tranh; xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực dịch vụ thông qua việc tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ có thế mạnh. Trong tương lai, ngành dịch vụ phải được chuyển dịch cơ cấu theo hướng nâng cao tỷ trọng về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin để tác động lan tỏa tới các lĩnh vực khác.
Các mục tiêu cụ thể
Theo UBND tỉnh, kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 6,6 đến 7,1%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) chiếm 42% vào năm 2020. Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,5%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP khoảng 44% vào năm 2025.
UBND tỉnh cũng đề ra mục tiêu đối với từng lĩnh vực cụ thể để phấn đấu. Trong đó, lĩnh vực tài chính - ngân hàng, huy động vốn có mục tiêu tăng bình quân 10%/năm; dư nợ tăng bình quân 14%/năm; tỷ lệ nợ xấu dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý). Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Với lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân phải đạt từ 5 đến 7%/năm; phủ sóng thông tin di động 100% khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh.
Trong kế hoạch, UBND tỉnh đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực đào tạo lao động. Theo đánh giá, đến năm 2020, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 26.500 người; trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm khoảng 25 - 30%, khoảng 10 -15% được đào tạo theo các ngành, nghề trọng điểm và hơn 70% người có việc làm sau đào tạo. Để lĩnh vực này đáp ứng được nhu cầu phát triển, UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, bình quân hàng năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 28.500 người, ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo... Hết năm 2020, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ phải đạt khoảng 25%; tỷ trọng này được nâng lên khoảng 35% vào năm 2025.
Các lĩnh vực dịch vụ du lịch, logistic, thương mại cũng được đánh giá là những ngành có thế mạnh, cần có những mục tiêu để phát triển vượt bậc. Cụ thể, logistic và vận tải đặt mục tiêu có tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 7%/năm; bước đầu xây dựng và hình thành dịch vụ logistic trên địa bàn tỉnh. Về phân phối, thương mại, đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt khoảng 513.046 tỷ đồng; phát triển thương mại điện tử; xuất, nhập khẩu tăng trưởng bình quân 10%/năm. Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh thu hút được từ 9 đến 11 triệu lượt khách/năm; khách quốc tế đạt từ 4 đến 5 triệu lượt và 5 đến 6 triệu lượt khách du lịch nội địa. Đến năm 2025, phấn đấu có hơn 61.000 buồng lưu trú với 60 - 70% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 254.000 việc làm, trong đó có 85.000 lao động trực tiếp.
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ chính là cơ sở để các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đồng thời hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị rà soát, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sở phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu; tập trung các nguồn lực để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với các ngành dịch vụ tiềm năng của tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ; đặc biệt chú trọng các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin...
Đình Lâm