Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Thứ hai - 11/03/2019 20:53
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để người dân tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn tín dụng là một trong những biện pháp góp phần hạn chế nạn "tín dụng đen".    Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để người dân tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn tín dụng là một trong những biện pháp góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen”. 
 
 
Đẩy mạnh cho vay
 
 
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, “tín dụng đen” đang là vấn nạn từ thành thị đến nông thôn. Đối tượng cung cấp “tín dụng đen” chủ yếu là các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động cho vay trái phép đối với người dân vay tiền, lãi suất cao. Hiện nay, tình hình “tín dụng đen” trên địa bàn diễn biến khá phức tạp, mặc dù đã được các cơ quan chức năng quan tâm xử lý nhưng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân chính người dân tìm đến các kênh tín dụng không chính thức, “tín dụng đen” là do: việc cho vay rất đơn giản, nhanh chóng, không cần tài sản bảo đảm, không cần hồ sơ pháp lý liên quan, không cần chứng minh nguồn thu nhập. Tâm lý một bộ phận người dân ngại sự phức tạp, ngại cung cấp hồ sơ, chấp nhận vay nặng lãi để giải quyết nhu cầu trong một thời gian ngắn. Đối với khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, phương tiện truyền thông chưa phát triển nên người dân chưa hiểu nhiều và hiểu đúng về hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhiều trường hợp khách hàng vay vốn, không đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật, khả năng trả nợ thấp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, nhưng có nhu cầu vay vốn nhiều nên đã tìm đến “tín dụng đen”.

 

Người dân giao dịch tại điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng  của Agribank Chi nhánh Khánh Hòa.
Người dân giao dịch tại điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank Chi nhánh Khánh Hòa.
 
 
Đẩy mạnh hoạt động cho vay là một biện pháp góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 38 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và 4 quỹ tín dụng nhân dân với 165 điểm giao dịch ngân hàng, 330 máy ATM. Mạng lưới ngân hàng đã bao phủ khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, riêng Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội có điểm giao dịch tới tận các xã. Toàn tỉnh có 240 điểm giới thiệu dịch vụ của 4 công ty tài chính. Với ưu điểm mạng lưới giao dịch đến tận các xã, cuối năm 2018, Agribank Chi nhánh Khánh Hòa đã khai trương điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại huyện Cam Lâm nhằm tạo điều kiện cho khách hàng ở khu vực nông thôn, xa trung tâm thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng. Ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, hoạt động giao dịch lưu động được chính quyền địa phương rất ủng hộ. Sau mấy tháng hoạt động, bước đầu người dân quen dần, đến giao dịch nhiều hơn. Ngân hàng thực hiện thủ tục nhanh gọn, tạo điều kiện cho người dân vay vốn góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn.
 
 
Thời gian qua, các chi nhánh TCTD trên địa bàn thường xuyên triển khai nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân như: cho vay mua nhà ở, đất ở, xây sửa nhà, mua ô tô, mua sắm đồ dùng, trang thiết bị gia đình… với lãi suất ưu đãi, linh hoạt, cố định trong 1 - 2 năm đầu tiên. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng của từng đối tượng khách hàng cụ thể, một số chi nhánh TCTD đã có các sản phẩm chuyên biệt dành cho các phân khúc: giáo viên; hộ kinh doanh cá thể; các cá nhân có khả năng trả nợ; cán bộ, công chức Nhà nước; khách hàng vay vốn có tài sản đảm bảo, muốn vay hạn mức cao; khách hàng vay vốn không tài sản đảm bảo... với các mức lãi suất khác nhau trên cơ sở đánh giá rủi ro. Đa số khách hàng vay tiêu dùng tại các chi nhánh TCTD tập trung ở khu vực thành thị do nguồn trả nợ từ lương ổn định và mức trả nợ phù hợp nên đã đáp ứng các điều kiện vay vốn từ phía ngân hàng. Có 4.145 khách hàng còn dư nợ ở địa bàn nông thôn, chiếm tỷ trọng rất thấp (5,58%) trong tổng số khách hàng còn dư nợ cho vay tiêu dùng. Đến ngày 31-12-2018, tín dụng tiêu dùng trên địa bàn nông thôn đạt 1.171 tỷ đồng, chiếm 5,79% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng toàn tỉnh, tăng 79,88% so với năm 2017. Bình quân dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn đạt 283 triệu đồng/khách hàng. 
 
 
Nhiều giải pháp để hạn chế “tín dụng đen”
 
 
Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, trong thời gian tới, cần phải tập trung thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế “tín dụng đen”. Ngành Ngân hàng tập trung mở rộng tín dụng tại khu vực nông thôn, duy trì và đẩy mạnh công tác cho vay qua tổ vay vốn, thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngân hàng và các cấp hội góp phần chuyển tải vốn đến hộ vay. Bên cạnh đó, áp dụng linh hoạt chính sách ưu đãi lãi suất kết hợp với phát triển dịch vụ, chính sách chăm sóc khách hàng nhằm tăng trưởng dư nợ, phát triển khách hàng mới; chủ động rà soát và áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm giúp khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo nguồn trả nợ vay, hạn chế tình trạng tìm đến kênh “tín dụng đen”. 
 
 
Đồng thời, nâng mức cho vay tối đa không tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình; cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng; mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở những địa bàn nông thôn. Các TCTD dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ; điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Các cơ quan liên quan cần tăng cường phối hợp kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cho vay “tín dụng đen” nhằm lành mạnh hóa thị trường. Mặt khác, cần nâng cao công tác truyền thông để người dân, nhất là vùng nông thôn hiểu rõ hơn về tác hại của việc đi vay “tín dụng đen”. Các ngân hàng thương mại cần tăng cường công tác tiếp thị, quảng cáo về các sản phẩm cho vay đời sống, tiêu dùng đề người dân hiểu rõ và tiếp cận vay vốn.
 
 

Đến ngày 31-12-2018, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 20.218 tỷ đồng (74.219 khách hàng còn dư nợ), chiếm 27,24% tổng dư nợ, tăng 27,69% so với năm 2017. Trong đó, dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm đa số với 87,36% (17.662 tỷ đồng). Dư nợ cho vay tiêu dùng chủ yếu tập trung vào mục đích cho vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở; chiếm 63,59% dư nợ cho vay tiêu dùng.  


 

NAM DU

 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp