Từ một đô thị loại 5 với hạ tầng, kinh tế - xã hội chỉ phát triển ở mức trung bình, trong những năm tới, huyện Cam Lâm được định hướng phát triển lên đô thị loại 1, trở thành đô thị sân bay tầm cỡ khu vực và quốc tế. Để đạt được điều đó, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chuyên môn đã nỗ lực xây dựng Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm nhằm đánh thức tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này.
Kỳ 1: Cơ hội để phát triển đột phá
UBND tỉnh vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Theo đó, Cam Lâm sẽ trở thành đô thị sân bay tầm quốc tế, mô hình đô thị thông minh và là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tầm quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới.
Định hướng trở thành đô thị mang tầm quốc tế
Theo tờ trình của UBND tỉnh, đô thị mới Cam Lâm được chia làm 3 khu vực với những đặc trưng phát triển riêng biệt. Khu vực 1 là khu vực đồng bằng trung tâm và 2 bên đầm Thủy Triều, gồm thị trấn Cam Đức và các xã như: Cam Hải Tây, Cam Hải Đông, Cam Thành Bắc… Nơi đây sẽ hình thành và phát triển các dịch vụ thương mại - du lịch, đô thị cao cấp. Phần phía bắc khu vực này sẽ phát triển công viên chuyên đề, khu dân cư cao cấp, khu ở chuyên gia, khu du lịch sinh thái. Khu vực 2 là khu vực phía bắc, gồm các xã Cam Tân, Cam Hòa và phần phía đông của các xã Suối Tân, Suối Cát. Bên cạnh Khu Công nghiệp Suối Dầu, Cụm Công nghiệp Trảng É, khu vực này được định hướng phát triển đô thị dịch vụ công nghiệp, trung tâm công nghiệp, logistics, dịch vụ du lịch. Khu vực 3 là khu vực phía tây, gồm các xã Sơn Tân, Cam Phước Tây và phía tây một số xã khác. Đây là khu vực đồi núi, với thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho việc phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ du lịch sinh thái, thể thao leo núi.
Đơn vị tư vấn đã định hướng phát triển đô thị mới Cam Lâm thành 7 phân khu chức năng. Phân khu 1 là Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh với 3.561ha, quy mô dân số khoảng 75.000 người. Đây là khu đô thị dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp trung tâm dịch vụ thương mại, hội thảo du lịch vùng quốc gia và quốc tế. Phân khu 2 có diện tích 5.367ha, quy mô dân số khoảng 300.000 người; có tính chất là đô thị dịch vụ công nghiệp, trung tâm công nghiệp logistics. Phân khu 3 có diện tích hơn 7.000ha, quy mô dân số khoảng 340.000 người; được định hướng không gian chức năng dịch vụ thương mại, nghỉ dưỡng, du lịch, sân golf, các loại hình công viên chuyên đề… Phân khu 4 là phân khu đô thị trung tâm, có diện tích hơn 6.000ha, quy mô dân số khoảng 340.000 người. Đây là trung tâm tài chính, công nghệ, đổi mới sáng tạo và trí tuệ toàn cầu, kết hợp đa dạng các loại hình đô thị mật độ thấp và mật độ cao. Phân khu 5 rộng hơn 9.500ha, quy mô dân số khoảng 17.000 người; có tính chất là tổ hợp các sân golf lớn và độc đáo, cùng các loại hình công viên chuyên đề. Phân khu 6 có diện tích gần 12.000ha, có quy mô dân số khoảng 14.000 người; là khu dân cư hiện hữu, được cải tạo, chỉnh trang kết hợp du lịch sinh thái. Phân khu 7 có diện tích hơn 11.000ha, quy mô dân số khoảng 3.000 người; là khu dân cư hiện hữu kết hợp du lịch nghỉ dưỡng tại Hòn Bà.
Ông Trần Nam Bình - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đô thị mới Cam Lâm có tính chất là đô thị sân bay quốc tế, phát triển theo mô hình đô thị thông minh, sáng tạo mang tầm quốc gia và tương tác tiệm cận quốc tế. Đây là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển tầm khu vực, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực tài chính và thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo, có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế số của Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung. Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm sẽ biến nơi đây thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch khu vực và thế giới.
Tạo động lực phát triển
Huyện Cam Lâm được thành lập vào tháng 4-2007 trên cơ sở điều chỉnh diện tích tự nhiên và nhân khẩu của thị xã Cam Ranh. Cam Lâm nằm gần đường hàng hải quốc tế với hệ thống cảng biển gắn với đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Địa phương có Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh giàu tiềm năng phát triển. Với điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch, thế nhưng sau hơn 15 năm phát triển, đến nay, Cam Lâm vẫn chưa có gì nổi bật.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Minh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, ngoài Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh được tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư nhiều năm nay thì toàn huyện chỉ có tuyến đường Đinh Tiên Hoàng là khang trang nhất. Tình hình kinh tế - xã hội của huyện chỉ ở mức trung bình, đời sống người dân chưa được nâng cao, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Vì vậy, việc quy hoạch đô thị mới Cam Lâm được triển khai là cơ hội để địa phương phát triển bứt phá. “Khi quy hoạch được triển khai, các dự án liên quan đến khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch nghỉ dưỡng… sẽ giúp Cam Lâm “lột xác”; người dân có điều kiện nâng cao thu nhập, thụ hưởng các dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống… Chính vì vậy, cán bộ và nhân dân huyện Cam Lâm đều mong muốn quy hoạch sớm được thực hiện, dự án sớm được triển khai”, ông Thạnh cho hay.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng nhanh quỹ nhà ở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Quy hoạch được triển khai sẽ giúp đời sống người dân được cải thiện đáng kể do được tiếp cận với các dịch vụ hạ tầng cơ bản, điều kiện nhà ở và môi trường được cải thiện. Đồng thời, sẽ tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách, tăng tỷ lệ đô thị hóa, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, đáp ứng nhu cầu an sinh cho người dân. Sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, cơ quan chức năng tiếp tục lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư, sớm đưa quy hoạch vào cuộc sống nhằm đưa Cam Lâm phát triển đột phá.
Khu vực nghiên cứu lập Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm với tổng diện tích tự nhiên 54.719ha, gồm 14 đơn vị hành chính. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 320.000 người; đến năm 2045 khoảng 770.000 người. _____________________________________
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm là công cụ quan trọng để triển khai các nội dung liên quan nhằm phát triển huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế theo định hướng của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch sẽ góp phần tạo nên không gian đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh, tạo diện mạo mới cho đô thị Cam Lâm. Đồng thời, góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân địa phương, vùng lân cận và thu hút đầu tư từ các nơi khác đến. Quy hoạch sẽ đáp ứng mục tiêu khai thác, sử dụng đất có hiệu quả gắn liền với việc phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Cam Lâm. |
VĂN KỲ
Kỳ 2: Đảm bảo quyền lợi cho người dân