Cứu sống bệnh nhi bị nhiễm khuẩn rất nặng

Thứ năm - 02/09/2021 04:34
Ngày 2-9, Thạc sĩ, bác sĩ  Đỗ Thanh Toàn - Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, khoa vừa cứu sống bệnh nhi 7 tuổi (Ninh Thuỷ, Ninh Hòa) bị nhiễm khuẩn rất nặng, có nguy cơ tử vong rất cao.  Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Cứu sống bệnh nhi bị nhiễm khuẩn rất nặng
Ngày 2-9, Thạc sĩ, bác sĩ  Đỗ Thanh Toàn - Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, khoa vừa cứu sống bệnh nhi 7 tuổi (Ninh Thuỷ, Ninh Hòa) bị nhiễm khuẩn rất nặng, có nguy cơ tử vong rất cao. 
 
Bệnh nhi L.P.B.N nhập viện trong tình trạng tri giác lơ mơ, cổ cứng, sốt cao, tiêu chảy, đau bụng, huyết áp tụt, tay chân lạnh, mạch yếu, đi cầu phân xanh nhầy nước. Ê-kip bác sĩ của bệnh viện tiến cấp cứu, cho bé thở máy qua nội khí quản, truyền dịch, kháng sinh và vận mạch bằng thuốc. Sau đó, chuyển bệnh nhi lên Phòng Cấp cứu của Khoa Nhi. Tại đây, kết quả kiểm ra, xét nghiệm cho thấy mức độ nhiễm khuẩn của bệnh nhi rất cao, chức năng gan bị suy yếu trầm trọng, men gan tăng cao. Bệnh nhi được hồi sức tích cực, tiếp tục thở máy, thiết lập nhiều đường truyền và đặt máy đo áp lực tĩnh mạch để theo dõi, truyền dịch, truyền máu và các chế phẩm của máu, kháng sinh và thuốc vận mạch. Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi  tỉnh táo linh hoạt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, tự thở tốt, các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, khí máu đang ổn định dần, bụng mềm, gan lách không lớn.
 
Theo người nhà của bệnh nhi, ngày 26-8 bé phát bệnh với nôn mửa, kèm đi cầu phân vàng xanh nhiều lần, sau đó sốt li bì nên gia đình đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa. Sau khi tiến hành cấp cứu, bé được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. 
 

 

Phòng
Phòng Hồi sức cấp cứu nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa
 
Bác sĩ  Đỗ Thanh Toàn - Phó trưởng Khoa Nhi cho biết: “Bệnh lý đường tiêu hóa đối với trẻ em thường do vi khuẩn gram âm gây ra, nên diễn biến nhanh, phức tạp dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, mất nước, rối loạn điện giải và suy đa phủ tạng có thể tử vong trong gang tấc. Vì thế, phụ huynh chú ý vệ sinh ăn uống cho trẻ; giáo dục vệ sinh răng miệng và vệ sinh tay thành thói quen hàng ngày cho trẻ. Đặc biệt, phụ huynh không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Nhi, điều này dễ dẫn tới tiền mất tật mang”.
 
Cũng theo bác sĩ Toàn, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, thời gian giãn cách kéo dài, nhiều gia đình có tâm lý ngại đến bệnh viện khám bệnh vì sợ lây nhiễm dịch bệnh; do đó, trẻ mắc bệnh thường để ở nhà, tự mua thuốc cho trẻ uống. Điều này dẫn tới rất nhiều bệnh nhi khi vào đến khoa Nhi diễn biến bệnh rất nặng, mất "thời gian vàng" nên có thể để lại di chứng nặng hoặc tử vong.
 
C.Đan 
 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp