Cựu chiến binh ở Khánh Sơn giúp nhau phát triển kinh tế

Chủ nhật - 03/07/2022 13:03
Thời gian qua, các cấp hội và hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) luôn phát huy phẩm chất
Cựu chiến binh ở Khánh Sơn giúp nhau phát triển kinh tế

Thời gian qua, các cấp hội và hội viên (HV) Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết giúp nhau khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho HV.


Giúp tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất


Hội CCB huyện Khánh Sơn có hơn 70% HV tham gia sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, các cấp hội CCB trên địa bàn huyện luôn quan tâm đẩy mạnh nhiều phong trào giúp nhau phát triển kinh tế như: “Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp”; “CCB giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống”… Qua đó đã khơi dậy tình đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức tự lực tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo của tổ chức hội và HV; tìm ra nhiều giải pháp, mô hình hiệu quả giúp HV phát triển kinh tế. Các hộ CCB nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo; các hộ có điều kiện kinh tế tốt hơn đều nỗ lực làm giàu chính đáng, hợp pháp.

 

 Mô hình trang trại cây ăn quả cho gia đình cựu chiến binh Trịnh Ngọc Khánh (bên trái),  xã Sơn Hiệp thu nhập từ 600 đến 800 triệu đồng/năm.

Mô hình trang trại cây ăn quả cho gia đình cựu chiến binh Trịnh Ngọc Khánh (bên trái), xã Sơn Hiệp thu nhập từ 600 đến 800 triệu đồng/năm.


5 năm qua, Hội CCB huyện đã ban hành 5 hướng dẫn về công tác phát triển kinh tế, 5 kế hoạch kiểm tra vay vốn ủy thác, hàng chục công văn hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện phong trào giảm nghèo nhanh và bền vững, làm kinh tế giỏi trong toàn hội; đề ra chương trình, kế hoạch, mục tiêu và giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện trong các cấp hội. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các hội cơ sở luôn sâu sát, động viên các HV chủ động tìm hướng đi thích hợp nhằm ổn định và phát triển kinh tế, vận dụng các mô hình phù hợp với đặc điểm địa phương cũng như điều kiện của bản thân; khuyến khích HV tham gia tích cực các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế tình trạng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ.


Từ năm 2016 đến nay, Hội CCB huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức hơn 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, HV về kỹ thuật sản xuất nông - lâm nghiệp và các ngành nghề truyền thống ở địa phương như: Nghề mộc, xây dựng, đan lát… Các cấp hội thường xuyên tổ chức cho HV học tập, rút kinh nghiệm thực tế từ các gia đình HV sản xuất giỏi để nhân rộng cho các hộ CCB cũng như người dân địa phương. Mặt khác, các cấp hội chú trọng công tác xây dựng quỹ góp vốn xoay vòng để giúp nhau về vốn sản xuất; chủ động phối hợp và liên hệ với chính quyền địa phương tạo điều kiện để HV tiếp cận, khai thác các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh. Các nguồn vốn vay đều được HV sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.


Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần

 

Từ năm 2016 đến nay, toàn hội đã giảm được gần 100 hộ CCB nghèo, xóa 25 nhà tạm, nhà dột nát; số hộ gia đình CCB sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng tăng lên, đến nay số hộ khá, giàu chiếm gần 40%. Trong đó, sản xuất kinh doanh giỏi có 38 hộ đạt cấp xã, 41 hộ đạt cấp huyện, 44 hộ đạt cấp tỉnh và 7 hộ đạt cấp Trung ương.

Qua thực hiện phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, các cấp hội và HV đã tìm ra nhiều giải pháp hay, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Nhiều HV đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây sầu riêng, cà phê cho năng suất cao. Đặc biệt, nhiều hộ CCB đã trồng hàng chục héc-ta cây keo phủ xanh đồi trọc mang lại hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều hộ CCB chuyển từ quy mô kinh tế gia đình nhỏ lẻ sang quy mô vừa và lớn bằng những mô hình vườn rừng, vườn nhà, vừa trồng xen cây thời vụ ngắn ngày, kết hợp vườn cây, ao cá, trang trại, tiến tới liên kết sản xuất, kinh doanh, giải quyết đầu vào, đầu ra của sản phẩm hàng hóa, từng bước tạo sự ổn định trong sản xuất kinh doanh, giảm bớt sự rủi ro, thua lỗ. Đến nay, toàn hội có 1 hợp tác xã, 1 tổ liên kết, 15 trang trại theo mô hình VAC do hội viên CCB làm chủ; 50 gia trại, 62 hộ kinh doanh đa dạng các mặt hàng gia dụng, 37 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp.


Ông Thái Quang Nam - Chủ tịch Hội CCB huyện Khánh Sơn cho biết: “Với đặc thù là huyện miền núi, nhìn chung đời sống của các CCB còn nhiều khó khăn. Song thời gian qua, các cấp hội và HV Hội CCB huyện luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của hội. Đặc biệt, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã phát huy hiệu quả. Qua đó, đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, HV, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.


THẾ ANH

 




 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp