Sau 10 năm triển khai (2009-2019), Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đi vào chiều sâu, thay đổi nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.
Đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng
10 năm qua, từ các cơ quan chức năng đến doanh nghiệp, mỗi đơn vị với cách làm riêng đã nỗ lực, bền bỉ, kiên trì đưa hàng Việt đến tay NTD. Thông qua 79 hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh; 26 phiên hàng Việt về nông thôn, ngành Công Thương đã tạo môi trường, cầu nối giữa nhà sản xuất với NTD, nhất là NTD ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận hàng Việt Nam giá rẻ, chất lượng tốt. Những phiên chợ hàng Việt về nông thôn, phiên chợ thực phẩm an toàn, phiên chợ nông sản được tổ chức hàng năm luôn thu hút đông đảo người dân với sức mua cao là minh chứng cho xu hướng lựa chọn hàng Việt của NTD hiện nay. Các doanh nghiệp luôn chủ động quảng bá và nâng cao uy tín thương hiệu với NTD, chủ động chiếm lĩnh thị trường, không ngừng cải tiến kỹ thuật, chất lượng và giá cả hợp lý, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với NTD.
Bên cạnh các thương hiệu uy tín như: Yến sào Khánh Hòa, các sản phẩm của Khatoco, cà phê Mê Trang, nước mắm 584…, gần đây một số sản phẩm mới như: nước mắm Chín Tuy, nước mắm Việt Hải, cơ khí Vina, dụng cụ Việt Pháp, trầm hương Biện Quốc Dũng… cũng được NTD dần biết đến. Cùng với đó là các loại nông sản đã được khẳng định thương hiệu như: sầu riêng Khánh Sơn, dừa Ninh Đa, xoài Cam Lâm... Không chỉ chinh phục NTD trong nước, một số sản phẩm của địa phương cũng đã vươn ra thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm 2009, hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh rất hạn chế, chỉ có 5 siêu thị (trong đó có 2 siêu thị tổng hợp, 3 siêu thị chuyên ngành), chưa có trung tâm thương mại. Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 trung tâm thương mại, 25 siêu thị (11 siêu thị tổng hợp và 14 siêu thị chuyên ngành), 125 chợ. Việc phát triển hạ tầng thương mại cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người Việt đối với hàng Việt đã tăng lên rất nhiều. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh mỗi năm tăng từ 13-17%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2019 đạt 95.000 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2009. Trong cơ cấu hàng hóa của các hệ thống bán lẻ có 90% - 95% là hàng Việt Nam.
Hiệu ứng tích cực
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đơn vị Trưởng ban Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh, sau 10 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ đến đời sống xã hội, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn tạo chuyển biến về hành động, tạo thành thói quen mua sắm hàng Việt của đa số NTD trên địa bàn tỉnh. Chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng lên với mẫu mã, kiểu dáng đa dạng và giá cả phù hợp.
Để có được kết quả trên, các cấp ủy, chính quyền đã có những giải pháp thiết thực triển khai thực hiện cuộc vận động gắn với chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế ở địa phương; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, đưa hàng Việt đến NTD; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ việc ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm công.
Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động; gắn kết chặt chẽ với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết dân xây nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý nhà nước đã chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, hạn chế tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại; kiểm tra việc niêm yết giá; ngăn chặn các hành vi lợi dụng tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng… để NTD an tâm hơn khi sử dụng hàng Việt. Trong 10 năm qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức gần 50.000 lượt kiểm tra, kiểm soát. Qua đó, phát hiện và xử lý 7.500 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 26 tỷ đồng.
Với việc Việt Nam cùng các nước ký Hiệp định đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hướng đến một nền kinh tế mở, thị trường trong nước sẽ là cuộc cạnh tranh gay gắt mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khó kiểm soát trên thị trường, gây bức xúc trong dư luận; một số hàng hóa Việt Nam chưa thật sự thu hút NTD về mẫu mã, chất lượng và giá cả… Đây cũng là những thách thức lớn cần có những giải pháp đồng bộ để Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục phát huy và đạt được kết quả cao.
MAI HOÀNG