Cú hích mới cho Vân Phong

Thứ tư - 09/09/2020 11:40
Chiều 9-9, UBND tỉnh Khánh Hòa và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Công ty IPPG) đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển Khu Kinh tế Vân Phong.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Cú hích mới cho Vân Phong

Chiều 9-9, UBND tỉnh Khánh Hòa và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Công ty IPPG) đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong.


Dự lễ ký kết có các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPPG.

 

Quang cảnh lễ ký kết.

Quang cảnh lễ ký kết.


Cần một quy hoạch mới


Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Tuân đã giới thiệu các tiềm năng của KKT Vân Phong. Đây là khu vực hội tụ các điều kiện và nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, trở thành một trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, của tỉnh Khánh Hòa. Thời gian qua, tuy đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển, KKT Vân Phong vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực, chưa đáp ứng được kỳ vọng trở thành đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước như mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ xác định. Hiện nay, xu hướng chuyển dịch đầu tư trong khu vực đang diễn ra mạnh mẽ do ảnh hưởng từ việc tranh chấp thương mại giữa các nước lớn trên thế giới. Vì vậy, muốn đón đầu làn sóng đầu tư đang dịch chuyển này thì cần phải có một quy hoạch mới, hiện đại, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cơ chế chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch… đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

 

Một góc vịnh Vân Phong.

Một góc vịnh Vân Phong.


Thời gian qua, Công ty IPPG đã rất quan tâm và đầu tư một số dự án lớn tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời có đề xuất tham gia tài trợ việc tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong. Công ty IPPG là doanh nghiệp có nhiều dự án triển khai thành công tại Việt Nam, gần đây nhất tại Khánh Hòa là dự án Nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh, mang lại hình ảnh tích cực về môi trường đầu tư của tỉnh. Trên cơ sở các chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận, thời gian qua, UBND tỉnh và Công ty IPPG đã tiến hành trao đổi, thống nhất việc ký kết Bản ghi nhớ về việc hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển KKT Vân Phong.


Ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh: “Với những nội dung hợp tác, hỗ trợ về nghiên cứu đề xuất chiến lược phát triển tổng thể và tài trợ công tác tổ chức lập quy hoạch, phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và hỗ trợ xúc tiến đầu tư, tỉnh Khánh Hòa kỳ vọng KKT Vân Phong sẽ phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực”.


Tạo bước phát triển đột phá


Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, với tâm nguyện đóng góp cho quê hương, sau Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, ông hướng đến KKT Vân Phong với mong muốn tạo sự đột phá cho kinh tế khu vực bắt đầu từ Vân Phong. Từ nền tảng quy hoạch cũ, Công ty IPPG phối hợp cùng các đơn vị liên quan sẽ lên quy hoạch tổng thể  KKT Vân Phong với hạt nhân là trung tâm thương mại, giải trí, dịch vụ cảng biển... Sau lễ ký kết, Công ty IPPG sẽ bắt tay thực hiện quy hoạch, dự kiến năm 2021 sẽ hoàn thành và tặng sản phẩm này cho Khánh Hòa để tỉnh đưa ra đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để KKT Vân Phong không còn là nàng tiên ngủ trong rừng.

 

Từ khi thành lập đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 158 dự án đầu tư mới (129 dự án trong nước và 29 dự án có vốn nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký tương đương 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 1,15 tỷ USD, đạt 29% vốn đăng ký; có 91 dự án đã đi vào hoạt động.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Khắc Định đánh giá, đây là sự kiện rất quan trọng và thiết thực, tạo tiền đề cho hoạt động hợp tác giữa tỉnh Khánh Hòa và Công ty IPPG trong thời gian tới, nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của khu vực vịnh Vân Phong, hướng tới mục tiêu phát triển khu vực này trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.


Ông Nguyễn Khắc Định đề nghị UBND tỉnh, Ban quản lý KKT Vân Phong, các sở, ngành và chính quyền địa phương huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho Công ty IPPG để khẩn trương lập đồ án quy hoạch chung KKT Vân Phong có chất lượng, có tầm nhìn mang tính chiến lược với khát vọng phát triển đột phá, có tính thực thi cao trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm yêu cầu đồng bộ, thống nhất với quy hoạch chung của tỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ông cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền làm việc với Công ty IPPG và đơn vị tư vấn để hỗ trợ việc nghiên cứu hoàn thiện Đề án cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực vịnh Vân Phong trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả thu hút đầu tư. “Lãnh đạo tỉnh luôn tin tưởng với kinh nghiệm và uy tín của Công ty IPPG, cũng như cá nhân ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã được xây dựng và khẳng định trong suốt thời gian qua, khu vực vịnh Vân Phong sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác, phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh”, ông Nguyễn Khắc Định nói.


Đình Lâm




 




IPPG tài trợ 5 triệu USD làm quy hoạch Vân Phong


Bên lề lễ ký kết, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Johnathan Hạnh Nguyễn về một số vấn đề liên quan đến Vân Phong. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết:

 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn.


IPPG sẽ tài trợ khoảng 5 triệu USD để thực hiện quy hoạch khu vực Vân Phong. IPPG đã có bước chuẩn bị quy hoạch từ trước, do đó thời gian quy hoạch sẽ kết thúc sớm vào năm 2021 để trình Chính phủ thông qua; dự kiến khoảng quý II/2021 sẽ hoàn thành. Quy hoạch này sẽ gắn liền với khu vực nam Phú Yên để phát huy lợi thế kinh tế vùng cũng như 2 sân bay chủ lực là Cam Ranh và Tuy Hòa.


- Xin ông cho biết lý do nào khiến ông dành 5 triệu USD để tài trợ cho tỉnh lập quy hoạch?


- Trước tiên, tôi làm việc này vì quê hương. Gia đình tôi là người Nha Trang - Khánh Hòa, nên việc tài trợ lập quy hoạch này như một món quà tôi dành tặng quê hương của mình. Nếu để tỉnh bỏ kinh phí ra làm thì sẽ rất lâu nữa mới có quy hoạch cho Vân Phong, như vậy sẽ lỡ nhịp phát triển. Cách đây 35 năm, cũng đúng ngày 9-9-1985, tôi đã giúp mở đường bay quốc tế đầu tiên nối Việt Nam đến Philippines, đưa Việt Nam ra thế giới sau khi hòa bình. Hôm nay, cũng ngày 9-9, tôi muốn đưa Vân Phong - Khánh Hòa ra quốc tế. Sau sự kiện này sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm hiểu để đầu tư vào Vân Phong.


- Công ty IPPG có mong muốn được ưu đãi khi đầu tư vào Vân Phong không, thưa ông?


- Không, chúng tôi không đòi hỏi quyền lợi. Chúng tôi không xin giao đất, chúng tôi không xin ân huệ. IPPG muốn sau khi có quy hoạch, tỉnh sẽ cho đấu thầu rộng rãi. Nếu chúng tôi không đủ năng lực sẽ để cho các nhà đầu tư có năng lực hơn thực hiện. Xin nhắc lại, IPPG muốn đầu tư vào Vân Phong như tấm lòng của người con đối với quê hương.


- Hiện nay, Vân Phong chỉ là những đồi cát, vậy theo mong muốn của ông, sau khi được đầu tư, Vân Phong sẽ phát triển như thế nào?


- Đây chính là lợi thế của Vân Phong mà các nơi khác không có được. Với 1.500ha, có nhiều đất còn trống sẽ thuận lợi để phát triển kinh tế. Nếu đầu tư vào Vân Phong, chúng tôi sẽ hình thành các khu vực casino, khu mua sắm, khu khách sạn và nghỉ dưỡng cao cấp, khu giải trí, cơ sở thể dục - thể thao (khoảng 100ha). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng muốn thực hiện các khu dân cư và công nghiệp; cơ sở hạ tầng (năng lượng công nghệ thông tin; cung cấp nước sạch; xử lý nước thải; viễn thông); sân bay quốc tế và đường bộ; khu vực cảng (vận tải hàng hải, vận tải hành khách, bến đỗ cho các tàu du lịch quốc tế); ngành hậu cần (hệ thống giao thông liên tỉnh, trung tâm hậu cần đa chức năng). Trước đây, IPPG dự kiến sẽ vận động, thu hút khoảng 40 tỷ USD từ các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong. Tuy nhiên, sau khi làm việc với các công ty, tập đoàn trên thế giới thì hiện nay có khoảng 200 đơn vị đăng ký nghiên cứu, dự kiến sau khi quy hoạch hoàn thành sẽ thu hút khoảng 60 tỷ USD vốn đầu tư. Trong tình hình dịch bệnh, các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng năm 2021, Việt Nam đã có thể phát triển rồi và Khánh Hòa sẽ là lá cờ đầu trong bứt phá với Khu Kinh tế Vân Phong.


- Xin cảm ơn ông!


Nhật Minh (Thực hiện)


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp