Vùng nguyên liệu mía đường ở Khánh Hòa có khó khăn đặc thù là chưa chủ động được nước tưới. Vì vậy, những năm gần đây, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH) đã khuyến khích nông dân “cày sâu, cuốc bẫm” nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.
Đào rãnh sâu ở vùng đồi dốc
Hầu hết diện tích vùng nguyên liệu mía của BHS-NH đều chưa chủ động được nước tưới. Vì vậy, ở những vùng đất đồi dốc, có nhiều đất đá, công ty triển khai chính sách hỗ trợ hoàn toàn chi phí cho nông dân triển khai trồng mía theo phương pháp đào, khoan hố hoặc đào rãnh bằng máy Kobe để đảm bảo độ sâu giúp cây mía chống chịu với điều kiện khô hạn, tích tụ tối đa nguồn nước mưa trên ruộng mía, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây mía. Đối với đào hố, kích thước hố rộng 60cm, sâu 50cm; với múc rãnh độ sâu từ 50 đến 60cm, khoảng cách giữa các rãnh từ 1 đến 1,1m.
Trong niên vụ 2019 - 2020, BHS-NH đã triển khai thí điểm mô hình này tại các xã, vùng mía nguyên liệu như: Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Tây với diện tích hơn 25ha và đạt được hiệu quả rất khả quan; năng suất bình quân đạt gần 75 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân vùng nguyên liệu gần 25 tấn/ha. Tiêu biểu là hộ Nguyễn Thanh Hoàng thuộc trạm Ninh Xuân, năng suất mía đạt hơn 80 tấn/ha. Trong niên vụ 2020 - 2021, BHS-NH tiếp tục mở rộng mộ hình này lên 100ha.
Ông Trần Công Ngôn, hộ đang trồng với diện tích thử nghiệm khoảng 5ha ở vùng mía Ninh Xuân cho biết: “Trồng mía này thì đào các rãnh, độ sâu từ 50 đến 60cm là phù hợp, sau đó trồng theo từng hàng đôi mía sẽ sinh trưởng rất tốt. Năm nay, tôi dự đoán thu được từ 80 đến 100 tấn/ha, với giá mía như nhà máy đường cam kết thì không ai bỏ cây mía được. Tôi dự tính sau vụ này sẽ tiếp tục mở rộng, trồng thêm mấy chục héc-ta nữa…”.
Cày ngầm ở vùng bằng phẳng
Với các vùng mía bằng phẳng, BHS-NH đang áp dụng chính sách hỗ trợ cơ giới - cày ngầm (cày sâu) ở những diện tích mía trồng mới nhằm giúp cây mía chống hạn, tăng năng suất. Hàng năm, công ty hỗ trợ khoảng 800ha diện tích triển khai cày ngầm, chiếm hơn 40% diện tích mía tơ trồng mới hàng năm. Qua tính toán, mỗi héc-ta mía cày ngầm cần chi phí 3 triệu đồng/ha. Hiện tại, BHS-NH đang hỗ trợ nông dân trồng mía 1,6 triệu đồng/ha.
Đối với mía chăm sóc gốc, công ty hỗ trợ dịch vụ cơ giới cày ngầm bón phân để hạn chế thất thoát phân bón và chống hạn với diện tích hơn 2.000ha. Để làm được điều này, công ty đã trang bị 30 máy kéo công suất lớn (trên 155HP) liên hợp thiết bị cày ngầm 5 - 7 trụ, dàn bón phân ngầm, cũng như các thiết bị cơ giới phụ trợ khác. Các hộ trồng mía áp dụng phương pháp này đều đánh giá cao và mong muốn được ứng dụng trên đất của mình, thay thế cho tập quán canh tác cũ đó là sử dụng máy kéo nhỏ, cày bò.
Trong những vụ sản xuất tới, BHS-NH tiếp tục đầu tư máy kéo có công suất lớn đáp ứng kịp thời nhu cầu dịch vụ cho người trồng mía; tiếp tục tuyên truyền vận động hộ trồng mía ứng dụng chương trình cày sâu vào khâu làm đất, bón phân có lấp.
Theo lãnh đạo BHS-NH, trước điều kiện đất đai, thời tiết khắc nghiệt, kỹ thuật canh tác còn hạn chế, dẫn đến năng suất, chất lượng mía chưa đạt như mong đợi, doanh nghiệp đã và đang cùng với người trồng mía đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây mía đường; đảm bảo người trồng mía có thu nhập ổn định theo tiêu chí “nông dân có lãi, nhà máy có lời” từ cây trồng này.
Hồng Đăng