Công trình nước sạch hình tháp tại thị trấn Khánh Vĩnh đã được bàn giao từ tháng 10-2018. Tuy nhiên, đến nay một phần công trình vẫn chưa hoàn thành.
Đang thi công hệ thống ống cấp 2
Theo ông Phan Hải Đăng - Trưởng ban Quản lý công trình công cộng và môi trường Khánh Vĩnh, thực chất công trình (phần nhà máy) đã được bàn giao từ tháng 10-2018, nhưng hiện nay phần thi công đường ống dẫn vẫn chưa được bàn giao nên chưa thể đi vào hoạt động đồng bộ.
Ông Trần Văn Thân - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Khánh Vĩnh, đơn vị chủ đầu tư công trình nước sạch hình tháp tại thị trấn Khánh Vĩnh cho biết, thời gian qua, sau khi bàn giao công trình nhà máy nước mới, đơn vị tiếp tục thực hiện gói thầu hệ thống đường ống nước cấp 1, 2 đấu nối khu vực các xã lân cận gồm: Sông Cầu, Khánh Thành và Khánh Nam. Đến nay, hệ thống ống cấp 1 đã thi công xong, hệ thống ống cấp 2 thực hiện được 2/3 tuyến, công trình sắp bàn giao vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, hiện nay việc đấu nối hệ thống mới vào hệ thống ống cũ gặp nhiều khó khăn do hồ sơ không có, phải mày mò. Mặt khác, đường ống của hệ thống cũ đã hư hỏng trầm trọng, rất khó đảm bảo việc truyền tải nước. Thời gian tới, huyện cần có kế hoạch khảo sát, rà soát tuyến ống cũ để thay mới, bổ sung, nếu không sẽ rất khó cho việc cấp nước, các tuyến ống cũ có thể bị bục, vỡ gây thất thoát nước lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, gói đầu tư công trình nhà máy thuộc Phòng Kinh tế hạ tầng đã bàn giao theo tiến độ từ năm trước, theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2017 - 2018. Riêng gói đầu tư hệ thống ống cấp thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2019 - 2020. Ngoài ra, việc đầu tư còn phụ thuộc vào quy trình, thủ tục, tiến độ giải ngân vốn nên không thể thực hiện ngay. Vì vậy, nói công trình nước sạch hình tháp chậm đưa vào sử dụng là không đúng.
Khó xã hội hóa
Hiện nay, huyện Khánh Vĩnh đang gặp khó khi công trình tháp nước đầu tiên đưa vào sử dụng. Bởi, ngoài ưu thế vượt trội là cung cấp nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia thì loại hình này phát sinh chi phí lớn, rất khó cho việc hạch toán kinh tế.
Nhà máy nước mới hình tháp gồm Trạm bơm cấp 1 công suất 1.900m3/ngày đêm (cung cấp cho cả hệ thống cũ 600m3/ngày đêm) và Khu xử lý ở độ cao 45m. Ngoài ra, còn có hệ thống đường ống gồm 7 tuyến, đường kính 50 - 250mm, tổng chiều dài gần 13km. Tổng dự toán xấp xỉ 24 tỷ đồng, đầu tư từ ngân sách, trong đó tỉnh 70%, huyện 30%. |
Theo ông Trần Văn Thân, các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đều gặp khó trong vấn đề xã hội hóa nước sạch. Các huyện này có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, người dân chủ yếu sử dụng nước tự chảy, chi phí thấp, nay chuyển sang sử dụng nước sạch tuy có lợi cho sức khỏe nhưng phát sinh nhiều chi phí, đầu tư 1 công trình dạng này tốn kém hàng chục tỷ đồng. Khi hoạt động công trình cũng tốn nhiều chi phí, đặc biệt là tiền điện bơm. Mặt khác, tỷ lệ người dân tham gia sử dụng nước sạch không cao, do mật độ dân cư thưa thớt nên việc hạch toán lãi lỗ, tính đúng, tính đủ để đảm bảo hiệu quả kinh tế sẽ gặp khó. Nếu tính đúng giá thành sẽ cao, người dân không kham nổi. Đến nay, huyện Khánh Vĩnh vẫn chưa có doanh nghiệp nào đứng ra nhận cung cấp nước sạch.
Theo ông Thuận, trước đây huyện rất tâm đắc với mô hình nước sạch hình tháp, kỳ vọng mang lại chuyển biến mới cho đời sống người dân trong huyện, vừa cung cấp nguồn nước an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn, vừa tiết kiệm chi phí do hạn chế sửa chữa. Tuy nhiên, hiện nay, khi chuẩn bị đưa công trình vào sử dụng mới thấy việc hạch toán kinh tế rất khó áp dụng đối với địa bàn này. Vừa qua, tỉnh có văn bản chỉ đạo huyện tính đúng, tính đủ giá thành nước sạch sản xuất là hơn 15.000 đồng/m3, nhưng giá bán chỉ 4.700 đồng/m3. Điều này rất khó chấp nhận. Tuy nhiên, không thể bắt người dân trả tiền nước đúng bằng giá thành. Trước tình hình đó, tỉnh yêu cầu tạm dừng các công trình nước hình tháp đang triển khai ở cánh bắc của huyện, đồng thời trình UBND tỉnh xem xét.
V.LẠC