Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng và Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về “Xây dựng một số đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị” , Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-11/2017) và dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-6/2018).
Dự án Luật quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Đặc khu) Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.
Một trong những nội dung chủ yếu, quan trọng của dự án Luật được quan tâm thảo luận đó là cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi là cơ chế, chính sách đặc biệt) tại các đặc khu nêu trên. Nội dung này được quy định tại Chương III, gồm 41 trên tổng số 84 điều của dự án Luật, cùng với 6 phụ lục kèm theo. Các cơ chế, chính sách đặc biệt có thể được phân loại theo các tiêu chí khác nhau.
Xét về lĩnh vực, các cơ chế, chính sách đặc biệt gồm các nhóm:
- Đầu tư kinh doanh (16 điều);
- Đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường và phát triển kết cấu hạ tầng (7 điều);
- Ngân sách và ưu đãi đầu tư (7 điều);
- Lao động, tiền lương và an sinh xã hội (3 điều);
- Cơ chế, chính sách đặc biệt khác: tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối; thủ tục hải quan; nhập cảnh đi lại và cư trú; vận chuyển hàng không quốc tế; người chơi casino; các cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng riêng cho từng đặc khu (8 điều).
Xét về vai trò, ý nghĩa, các cơ chế, chính sách đặc biệt có thể được phân thành nhóm cơ chế, chính sách tạo thuận lợi, hỗ trợ đầu tư kinh doanh (hỗ trợ phi tài chính) và nhóm cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư kinh doanh (hỗ trợ tài chính).
Xét về đối tượng được hỗ trợ, có các cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh ( hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp) và các cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng đối với hoạt động của chính quyền đặc khu và các cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng đối với các đối tượng khác có liên quan.
Tính chất đặc biệt của các cơ chế, chính sách quy định trong Dự án Luật này thể hiện ở sự khác biệt, vượt trội, có tính cạnh tranh quốc tế so với cơ chế, chính sách tương tự do pháp luật hiện hành quy định.
Mục đích của các cơ chế, chính sách đặc biệt là tạo môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thông thoáng, thuận lợi, đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, làm cho các đặc khu trở thành cực tăng trưởng và có sức cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, các cơ chế, chính sách này được áp dụng là sự thử nghiệm cải cách, đổi mới để nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cả nước.
Bài này tập trung nêu các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt có vai trò tạo thuận lợi, hỗ trợ đầu tư kinh doanh (hỗ trợ phi tài chính). Đây là những điều được các nhà đầu tư, doanh nghiệp hết sức quan tâm và được nhà nước ưu tiên lựa chọn.
Về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Điều 17), Luật Đầu tư hiện hành (năm 2014) quy định Danh mục gồm có 243 ngành, nghề. Dự án Luật phiên bản mới nhất quy định Danh mục chỉ còn 131 ngành nghề. Đồng thời, Dự án Luật còn cho phép Chủ tịch UBND đặc khu, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước tại từng đặc khu, rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định không áp dụng một hoặc một số ngành, nghề thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại khu chức năng thuộc đặc khu (như khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, khu chế xuất...).
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu trong các ngành, nghề ưu tiên phát triển quy định tại các phụ lục không phải đáp ứng các điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế có liên quan như điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động...
Về hình thức đầu tư (Điều 18), ngoài các hình thức theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành, nhà đầu tư có quyền đề xuất với Chủ tịch UBND đặc khu quyết định việc thực hiện hình thức đầu tư khác tại đặc khu phù hợp với thông lệ quốc tế miễn là không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật và không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam.
Về thủ tục thành lập tổ chức kinh tế (Điều 19), thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư tại đặc khu (Điều 21), thay vì làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, theo quy định của Dự thảo Luật, các thủ tục này được thực hiện ngay tại đặc khu thông qua cơ chế 1 cửa của Trung tâm hành chính công đặc khu. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài không bắt buộc phải có dự án đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế đặc khu như quy định của Luật Đầu tư hiện hành.
Ngoài ra, Dự án Luật (Điều 22) còn quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo thủ tục rút gọn đối với dự án đầu tư không đề nghị hoặc có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho thuê mặt nước, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tương ứng với các thời hạn 5 ngày làm việc và 7-10 ngày.
Về thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 20), thì trừ dự án đầu tư công, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo quy định của Luật Đầu tư và dự án đầu tư kinh doanh cá cược, đặt cược, casino, còn lại, nhà đầu tư có dự án đầu tư tại đặc khu không phải thực hiện thủ tục này. Dự án Luật (Điều 23) cũng quy định các dự án đầu tư tại đặc khu không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tức là không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, theo đó, các nhà đầu tư tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật.
Về cải cách mạnh mẽ và hiện đại hóa, tin học hóa việc giải quyết thủ tục đầu tư kinh doanh (Điều 27), Chủ tịch UBND đặc khu có trách nhiệm quy định tích hợp thủ tục, cơ chế liên thông giải quyết thủ tục về đầu tư, đăng ký kinh doanh và thủ tục khác trong hoạt động đầu tư về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường, lao động, xuất khẩu, nhập khẩu, hải quan tại Trung tâm hành chính công đặc khu; xây dựng hệ thống thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để thực hiện, đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và các thủ tục sau đầu tư khác qua mạng.
Về hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư thuộc Danh mục dự án thu hút đầu tư (Điều 28), sau khi công bố Danh mục gồm các nội dung cụ thể về tên dự án, mục tiêu, quy mô, địa điểm, dự kiến tiến độ đầu tư; trích lục bản đồ đất đai, thông tin quy hoạch liên quan; hình thức đầu tư; định hướng lựa chọn nhà đầu tư; ưu đãi đầu tư và các hỗ trợ đầu tư khác (nếu có); trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu có trách nhiệm chủ động chuẩn bị các điều kiện để hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư thuộc Danh mục, cụ thể là phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó là phương án huy động nguồn lực và triển khai đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu tái định cư và các công trình khác theo quy hoạch đặc khu ngoài hàng rào dự án đầu tư; kế hoạch triển khai, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện đồng bộ các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, xuất nhập khẩu, hải quan, thương mại và các thủ tục liên quan khác.
Dự án Luật (khoản 4 Điều 3 và Điều 29) quy định về khu thương mại tự do, một loại hình khu chức năng tại đặc khu. Đây là mô hình đặc khu trong đặc khu, như nhiều nước đang vận hành, ở đó hoạt động đầu tư kinh doanh được thực hiện theo cơ chế thông thoáng, tự do, thuận lợi hơn, là cơ sở để hình thành Trung tâm thương mại, tài chính, logictics quốc tế gắn với cảng biển quốc tế hoặc cảng hàng không quốc tế.
Nhà đầu tư chiến lược tại đặc khu được hưởng chính sách hỗ trợ và ưu tiên đặc biệt hơn so với các nhà đầu tư khác theo quy định tại Điều 30 của Dự án Luật. Cụ thể, nhà đầu tư chiến lược được ưu tiên lựa chọn thực hiện dự án đầu tư trên cùng địa bàn đặc khu trong trường hợp dự án đầu tư có hai nhà đầu tư trở lên quan tâm đề xuất thực hiện; được tham gia đầu tư kinh doanh, quản lý và vận hành các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và khu chức năng tại đặc khu; được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh và thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; được tham gia lập quy hoạch, xây dựng chính sách áp dụng tại đặc khu.
Thêm vào đó, được tổ chức, tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vào đặc khu; được tính tổng vốn đầu tư các dự án khác trên cùng địa bàn đặc khu và các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối tới đặc khu do nhà đầu tư chiến lược thực hiện nhưng không quá 50% vốn đầu tư dự án khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino để làm căn cứ xác định khả năng đáp ứng điều kiện về quy mô vốn, việc giải ngân vốn đầu tư theo quy định của pháp luật về casino.
Về chính sách đất đai (Điều 32), căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, trường hợp đặc biệt, thời hạnh sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê tại đặc khu thuộc sở hữu của mình tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam để vay vốn đầu tư.
Đặc biệt, dự án Luật bổ sung trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại đặc khu, cụ thể là dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược quy định tại các điểm b,c và d Khoản 5 của Dự án Luật. Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư chi trả và được tính vào tổng mức đầu tư của dự án. Ngoài ra, các tranh chấp về đất đai tại đặc khu được giải quyết tại Tòa án nhân dân, khác với cơ chế giải quyết theo 2 kênh như Luật Đất đai hiện hành quy định.
Về cấp giấy phép xây dựng (Điều 35), các công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng tại đặc khu đã có quy hoạch chi tiết về xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt và đã được thẩm định thiết kế xây dựng không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Về cấp giấy phép lao động (Điều 46), người lao động nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành có thời gian làm việc dưới 60 ngày và thời gian công dồn không quá 180 ngày/năm; người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày/năm tại đặc khu không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động chỉ có trách nhiệm thông báo cho Chủ tịch UBND đăc khu việc sử dụng lao động nước ngoài mà không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng nguời lao động nước ngoài, không phải làm thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Về chính sách tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối (Điều 49), trong phạm vi khu thương mại tư do, khu chế xuất, khu phi thuế quan và các khu chức năng khác được áp dụng quy chế khu phi thuế quan tại đặc khu, các giao dịch, hạch toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú được thực hiện bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ.
Về thủ tục hải quan ( Điều 50) và vận chuyển hàng không quốc tế (Điều 52), hàng hóa xuất khẩu ra vào đặc khu của doanh nghiệp có dự án đầu tư quy định tại điểm b và điều 1, khoản 5 Điều 3 của Luật (dự án của nhà đầu tư chiến lược) , các dự án đầu tư tại 3 đặc khu thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển (theo các phụ lục 1, 2 và 3) được áp dựng thủ tục hải quan như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan; hãng hàng không nước ngoài được phép tham gia vận chuyển hàng không quốc tế có ít nhất hai điểm đến hoặc hai điểm đi trong lãnh thổ Việt Nam, trong đó ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại đặc khu.
Về người được chơi casino (Điều 53) dự án luật cho phép người Việt Nam được chơi casino tại điểm kinh doanh casino tại đặc khu theo quy định của pháp luật về casino.
Về các cơ chế, chính sách đặc biệt khác tại đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân phong, Phú Quốc, dự án Luật dành 3 điều (54, 55 và 56) quy định các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù cho từng đặc khu này. Đáng chú ý là:
- Người nước ngoài hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa tại đặc khu Vân Đồn đáp ứng điều kiện quy định tại Phụ lục 1 được cấp thị thực có giá trị nhiều lần với thời hạn 12 tháng; trường hợp có giấy phép lao động thì thời hạn của thị thực phù hợp với giấy phép lao động.
- Cơ quan quản lý cảng biển ở Bắc Vân phong do Chủ tịch UBND đặc khu thành lập được Nhà nước giao vùng đất, vùng nước cảng biển để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý được giao; đầu mối thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về an ninh, kiểm dịch, hải quan, thuế, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các nhiệm vụ có liên quan khác tại cảng biển.
Trung tâm thương mại – tài chính gắn với cảng biển được thành lập tại đặc khu Bắc Vân phong. Hàng hóa được phép trung chuyển qua cảng biển tại đặc khu này được vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam để xuất khẩu qua cửa khẩu khác hoặc xuất khẩu trực tiếp.
- Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có dự án đầu tư từ 110 tỷ đồng trở lên tại đặc khu Phú Quốc được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm, nếu có chỗ ở hợp pháp thì được cấp thẻ thường trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ quản lý tài sản tại đặc khu Phú Quốc được phép đề xuất các cơ chế, chính sách về bảo mật thông tin, quản lý tài sản và cơ chế chính sách khác theo thông lệ quốc tế để Chủ tịch UBND đặc khu báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho pháp áp dụng.
Có thể nói, các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt tạo thuận lợi, hỗ trợ đầu tư kinh doanh (hỗ trợ phi tài chính) có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, cùng với các cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư kinh doanh (hỗ trợ tài chính) tạo thành một hệ thống khá cụ thể, đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội tại các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, thể hiện được khá rõ nét tính vượt trội, tính cạnh tranh quốc tế so với các cơ chế chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành.
Từ phiên bản gần đây nhất của Dự án Luật (trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp tháng 4/2018) đến bản cuối cùng sẽ được Quốc hội thông qua, chắc chắn các cơ chế, chính sách đặc biệt nêu trên còn được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh. Hy vọng và tin tường rằng khi được triển khai trên thực tế sau khi 3 đặc khu được thành lập và sau ngày Luật có hiệu lực thi hành, các cơ chế, chính sách đặc biệt này sẽ góp phần quan trọng bảo đảm thành công trong việc xây dựng và phát triển các đặc khu