Phong trào chơi xe đạp thể thao ở Nha Trang - Khánh Hòa đã có từ lâu. Khi các sân chơi thể thao phải đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 vào đầu tháng 4, nhiều người đã chuyển sang tập luyện bộ môn này khiến phong trào chơi “ngựa sắt” càng phát triển thêm.
Đam mê “ngựa sắt”
4 giờ 30 phút sáng Chủ nhật 23-8, các thành viên nhóm Bike Caravan Nha Trang có mặt tại vòng xoay đường Phong Châu - Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang để bắt đầu hành trình đạp xe khám phá Khánh Sơn. Hầu hết thành viên của nhóm đều là lính mới trong làng xe đạp phong trào của thành phố biển. Suốt mấy tháng nay, cứ cuối tuần cả nhóm lại hẹn nhau chinh phục những cung đường xa lên đến hơn 100km từ Nha Trang đi Ban Mê Thuột, Tuy Hòa, Đà Lạt… Nhóm cũng dự định sẽ quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa bằng việc đạp xe khám phá các di tích, danh thắng nổi tiếng của xứ Trầm Hương. “Muốn hiểu về xe đạp thể thao Nha Trang thì nên tìm gặp ông Võ Lang - Hội trưởng Hội xe đạp thể thao Khánh Hòa. Sáng nào ông cũng đạp xe ở cung đường từ trung tâm Nha Trang ra Lương Sơn”, anh Hoàng Hải Nam - trưởng nhóm Bike Caravan Nha Trang gợi ý.
Hơn 5 giờ sáng hôm sau, khi tôi ra đến Lương Sơn (xã Vĩnh Lương, Nha Trang), ông Lang đã ngồi quán cà phê cóc ven đường sau khi hoàn thành hơn nửa hành trình của cung đường biển quen thuộc. Ở tuổi 65, tóc muối tiêu nhưng cơ thể ông Lang vẫn rắn chắc. Nhấp ngụm nước trà, ông rỉ rả kể: “Tôi chơi xe đạp thể thao từ đầu thập niên 90 bởi vì thích rèn luyện sức khỏe và được đi đây đó. Khi ấy số người chơi môn này ở Nha Trang chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hồi đó, để kiếm được chiếc xe đạp thể thao phải đặt hàng, chờ đợi 2 đến 3 tháng mới có xe. Xe cũng nặng hơn bây giờ rất nhiều, đường thì xấu. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đạp xe từ Nha Trang lên Ngã ba Thành (Diên Khánh) phải nằm vật ra thở. Sau rồi đi miết cũng quen...”
Lan tỏa phong trào
Theo thời gian, số lượng người chơi xe đạp thể thao ở Nha Trang ngày càng nhiều. Hiện nay Hội xe đạp thể thao Khánh Hòa có hơn 190 hội viên đang sinh hoạt ở 12 câu lạc bộ xe đạp; trong đó có 10 câu lạc bộ ở Nha Trang. Đặc biệt, có một CLB nữ có cái tên rất ngộ nghĩnh là Bachuho (viết tắt của cụm từ “bắp chuối hột” để nhớ về một thời gian khó). Tuy nhiên, theo ước tính của ông Lang, số lượng người chơi “ngựa sắt” để rèn luyện sức khỏe thì lớn hơn con số đó rất nhiều. Chỉ riêng thành phố Nha Trang đã có khoảng 400 người đạp xe thể thao. Con số mà người đạp xe kỳ cựu này đưa ra hoàn toàn có cơ sở, khi trên đường từ trung tâm Nha Trang ra Lương Sơn, tôi gặp rất nhiều người đạp xe trên đường. Từ thanh niên, trung niên cho đến lớp người già đều gò mình trên chiếc ngựa sắt để rèn luyện sức khỏe, hít thở khí trời buổi sớm mai.
Bắt chuyện, nhiều người cho biết trước đây chơi quần vợt, đá banh, gym… nay có tuổi chuyển sang chơi xe đạp vì phù hợp với thời gian, công việc và sức khỏe. Ông Đặng Xuân Hòa (70 tuổi ở đường Hòn Chồng, TP. Nha Trang) kể cách đây 7 năm ông bị bệnh gout, được bác sĩ khuyên tập luyện thể thao nên ông thử đạp xe và chỉ một thời gian sau bệnh đã gần như khỏi hẳn. Thấy lợi ích của việc đạp xe nên khoảng hơn 1 năm sau vợ ông cũng đạp xe. Kể từ đó, vợ chồng ông đi đâu cũng có nhau. Ở Nha Trang hiện nay, không hiếm vợ chồng cùng nhau đạp xe thể thao như vậy. Thậm chí có gia đình cả ba mẹ và con cái cùng đạp xe để rèn luyện sức khỏe, gắn kết tình thân. “Tôi thấy việc đạp xe thể thao mang lại rất nhiều lợi ích, nên tôi đã hướng vợ và các con cùng chơi bộ môn này. Những khi đi du lịch, gia đình tôi vẫn thường mang xe theo để không bị gián đoạn”, anh Lê Thanh Giao - Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa Mỹ phẩm Tự nhiên chia sẻ.
Khi xe đạp không dành cho… nhà nghèo
2 từ “xe đạp” nghe vừa xưa cũ lại vừa bình dân. Nhưng xe đạp thể thao dù chỉ là chơi theo kiểu nghiệp dư vẫn là một thế giới với muôn hình vạn trạng mà chỉ dân trong nghề mới hiểu được. Nếu chỉ để rèn luyện sức khỏe, chỉ cần chiếc xe đạp thể thao có giá hơn 10 triệu đồng. Nhưng ở Nha Trang hiện nay, rất nhiều người chơi xe đạp thể thao đầu tư xe đến vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng/xe. Một người chơi xe đạp thể thao lại thường sở hữu nhiều chiếc xe khác nhau để phù hợp với những cung đường khác nhau như xe đi đường phố, xe đạp địa hình, xe đi đường dài nên số tiền đầu tư không nhỏ. Anh Hoàng Hải Nam vừa chơi xe chưa được nửa năm nhưng đã kịp sắm cho mình 3 chiếc xe. Nhưng theo anh, con số đó chẳng là gì nếu so với anh C. (chủ công ty kinh doanh máy tính) 5 chiếc xe đạp, chiếc nào cũng có giá trên 10.000 USD! Cũng vì chiếc xe bộn tiền nên người chơi xe đạp có thói quen ngồi uống cà phê vỉa hè để “vừa uống cà phê vừa giữ xe!
Theo anh M , thay vì mua xe có sẵn của các hãng xe BMC (Thụy Sĩ), Trek (Mỹ), Colnago (Ý).. gần đây, dân chơi xe đạp thể thao có sở thích mua xe theo các đội đua tham gia Tour de France (giải xe đạp danh giá nhất thế giới). Để minh chứng cho lời nói của mình, anh gửi luôn danh sách các đội tham gia Tour de France 2020 với đầy đủ thông số kỹ thuật của các thành phần phụ tùng của xe. “Mình thích tay đua nào, đội nào thì mua xe theo đội đó. Có thể mua trên Ebay, nhờ người thân ở nước ngoài mua gửi về hoặc đặt cho đại lý các hãng ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội chuyển về…”, anh M cho biết. Để cân xứng với chiếc xe cũng như đảm bảo an toàn, người chơi xe đạp chăm chút áo quần, giày, mũ và đầu tư cho chiếc xe của mình với đủ món đồ, từ đèn xe cho tới GPS, từ túi da gắn ở phía sau cho tới đồng hồ đo tốc độ, gắn thêm camara để ghi lại hành trình… . Khi nghe chuyện này, ông Lang bày tỏ: “Đạp xe thể thao là để rèn luyện sức khỏe. Những người chạy theo trào lưu không còn là chuyện thể thao thuần túy mà là chơi xe mất rồi”!
T.N
Nổi tiếng nhất trong giới xe đạp thể thao ở Khánh Hòa là chị Đặng Thị Anh Đào (52 tuổi, nhà ở đường Hoàng Văn Thụ, TP. Nha Trang). Gắn bó với xe đạp thể thao hơn 10 năm nay, chị Đào đã nhiều lần đi xe đạp xuyên Việt, xuyên 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Mỗi chuyến đi kéo dài gần cả tháng. Chị còn được các hội xe đạp thể thao các nước Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc mời sang đạp xe giao lưu. “Nếu không có dịch Covid-19, ngày 5-9 này tôi sẽ đạp xe khám phá tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc (Khau Phạ, Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pí Lèng). Cứ lâu lâu không đi là cảm giác thiếu thiếu” …”, chị Đào tâm sự.
_______________________________________________________
Sơ bộ xe đạp thể thao có 3 loại: Road bike (được thiết kế để đi trên đường trải nhựa bằng phẳng); Tour ring bike (được thiết kế để có thể mang vác hành lý cho những chuyến du lịch xa nên trọng lượng xe không quá nặng); Moutain bike (xe đạp địa hình trọng lượng nặng, bánh xe nhiều gai, thích hợp để đi trên địa hình gồ ghề như đường dốc, đổ đèo hay đường rừng).