Ngày 25-6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị triển khai Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15 ngày 26-5-2020 của Bộ GD-ĐT. Trong đó, lưu ý một số nội dung mới trong công tác tổ chức thi để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Một số điều chỉnh
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, so với kỳ thi THPT quốc gia 2019, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điều chỉnh. Cụ thể, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện tất cả các hoạt động chuẩn bị, tổ chức, thực hiện kỳ thi theo đúng Quy chế thi được Bộ GD-ĐT ban hành. Trong đó, lãnh đạo UBND cấp huyện cũng được yêu cầu có mặt trong thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng sẽ không tham gia hội đồng thi. Kỳ thi có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh.
Ngoài những điều chỉnh trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cơ bản vẫn theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm trước để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh. Đồng thời, bộ thực hiện một số kỹ thuật mới trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trước đây để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn, trong đó công tác an ninh, an toàn của kỳ thi được đặc biệt xem trọng.
Một trong những điểm mới trong quy trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT là: Trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi (không phụ trách cơ sở vật chất), cán bộ coi thi và cán bộ giám sát phòng thi không được làm nhiệm vụ tại điểm thi có học sinh (HS) lớp 12 của trường mình dự thi trong năm 2020. Mỗi phòng thi bố trí 2 cán bộ coi thi ở 2 trường phổ thông khác nhau; mỗi cán bộ giám sát thực hiện giám sát không quá 3 phòng thi trong cùng một dãy phòng thi. Cán bộ coi thi được tham gia bốc thăm phân công nhiệm vụ coi thi, bảo đảm nguyên tắc một cán bộ không coi thi quá một lần tại một phòng thi trong kỳ thi.
Năm 2020, Bộ GD-ĐT cơ bản giữ ổn định hình thức thi như năm 2019 với 5 bài thi (3 bài thi độc lập và 2 bài thi tổ hợp). Tuy nhiên, năm nay, thí sinh chỉ được dự thi 1 bài thi tổ hợp, môn thi thành phần của 1 bài thi tổ hợp, không được đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp như năm 2019. Những vấn đề về lịch thi, công tác in sao đề thi, coi thi, vận chuyển bài thi, chấm thi, chấm kiểm tra, làm phách khi phúc khảo, ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi… cũng được quy định chi tiết.
Chuẩn bị về mọi mặt
Thời điểm này, các trường đang hướng dẫn thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đồng thời với đăng ký xét tuyển đại học và xét tuyển cao đẳng ngành giáo dục mầm non, hạn chót đến ngày 30-6. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có gần 13.000 thí sinh dự thi, với 31 điểm thi tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Sở GD-ĐT đã dự kiến phương án tổ chức thi; sau khi có số liệu thí sinh đăng ký dự tuyển chính thức, sở sẽ ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi.
Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, lãnh đạo các đơn vị, trường học cần tiếp tục nghiên cứu, nắm chắc quy chế thi, quán triệt cho cán bộ, giáo viên nắm rõ quy trình, nghiệp vụ công tác tổ chức thi; thực hiện tốt công tác thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi; tổ chức kiểm tra thông tin dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh đảm bảo tính chính xác. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ kỳ thi, lựa chọn đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ điều kiện theo quy định, có năng lực và ý thức trách nhiệm để tham gia làm công tác thi. Bên cạnh đó, các trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những điểm mới của kỳ thi để cán bộ, giáo viên, HS nắm rõ. Mỗi cán bộ, giáo viên phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tư vấn, hướng dẫn cho HS trong việc chuẩn bị, lựa chọn trường, chọn môn thi phù hợp khả năng của HS. Đồng thời, hoàn thành chương trình giáo dục phù hợp với khung thời gian năm học, thực hiện các giải pháp hiệu quả để ôn tập cho HS lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng HS, bám sát yêu cầu về chuẩn kiến thức, cấu trúc bộ đề minh họa của Bộ GD-ĐT.
H.NGÂN