Người dân lo lắng
Thời gian gần đây, liên tiếp những thông tin về trường hợp mắc cúm A/H1N1 được báo chí phản ánh cho thấy diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại các tỉnh miền Nam. Nhiều địa phương trước đây không ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H1N1 thì nay đã xuất hiện.
Theo các chuyên gia y tế, cúm A/H1N1 chỉ là một loại cúm mùa thông thường, không quá nguy hiểm và chỉ có nguy cơ trở nặng với một số đối tượng có sức đề kháng yếu như: trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người có tiền sử về các bệnh mạn tính (tim mạch, đái tháo đường, béo phì, hen suyễn, HIV/AIDS, ung thư...). Tuy nhiên, lo lắng vẫn là tâm trạng chung của nhiều người, khi cả nước đã có trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Bà Võ Thị Kiều Huê (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) cho biết: “Sau khi nghe bệnh này trên các kênh truyền hình, tôi cũng lo lắng. Mong các cơ quan chức năng tổ chức tuyền truyền, hướng dẫn thêm để người dân biết cách phòng và xử lý khi mắc bệnh”. Ông Trần Đông Nhật (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cũng lo lắng khi trong nhà có 2 đứa trẻ và người già. “Qua tìm hiểu trên mạng, tôi biết bệnh này thường trở nặng ở người già và trẻ em. Sắp tới, tôi sẽ sắp xếp đưa cả gia đình đi tiêm chủng để tránh bị lây bệnh”, ông Nhật nói.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 8.000 ca cúm các loại, trong đó có 2 ca mắc cúm A/H1N1. Tuy nhiên, cả hai trường hợp đều được điều trị kịp thời. Những người tiếp xúc với 2 ca mắc đều đã được trung tâm tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, kết quả không phát hiện ca mắc cúm A/H1N1.
Chủ động phòng bệnh
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về cúm A/H1N1. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe mỗi khi ra đường. Ngoài ra, trung tâm đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế ở cơ sở cách phát hiện kịp thời ca bệnh, lấy mẫu, điều tra dịch tễ...
Năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo dịch cúm A/H1N1 ở cấp độ 6, cấp độ cao nhất và là đại dịch trên quy mô toàn cầu. Cuối tháng 7-2009, dịch đã lan rộng ra trên 160 quốc gia thuộc cả 5 châu lục với hàng trăm ngàn trường hợp mắc và hơn 1.000 trường hợp tử vong. Riêng Việt Nam có hơn 10.000 người mắc, có 22 trường hợp tử vong. |
Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Thông thường, người mắc cúm A/H1N1 tự khỏi sau vài ngày, không cần điều trị đặc hiệu. Ở một số đối tượng có sức đề kháng yếu, hay có mắc thêm bệnh lý trên nền bệnh này có thể diễn tiến nặng, dẫn đến tử vong. Trường hợp tử vong ở TP. Hồ Chí Minh là trên nền bệnh béo phì. Vì thế, khi có dấu hiệu mắc bệnh hãy đến các cơ sở y tế, không nên tự ý điều trị tại nhà”.
Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, người dân không nên quá lo lắng, bởi bệnh này đã có vắc xin, có thể phòng bệnh bằng tiêm chủng. Để chủ động trong điều trị khi có ca bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã thành lập khu cách ly. Máy móc, trang thiết bị, hóa chất, thuốc... đã được chuẩn bị đầy đủ. Bệnh viện phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang lấy mẫu xét nghiệm khi có ca nghi ngờ. Ngoài ra, đã tổ chức đào tạo lại kỹ năng phát hiện, xử lý, điều trị cúm cho toàn thể nhân viên y tế của bệnh viện.
Hiện tại, Khánh Hòa được nhận định là một trong những địa phương có nguy cơ bùng phát cúm A/H1N1 cao, bởi lượng khách du lịch trong dịp hè khá lớn. Vì vậy, cả hệ dự phòng và điều trị trên địa bàn tỉnh đang phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc cúm A/H1N1, kịp thời có hướng xử lý khi có ca bệnh... Tuy nhiên, để công tác này thực sự có hiệu quả, đẩy lùi dịch bệnh thì ý thức phòng bệnh của người dân vẫn là một trong những điều kiện tiên quyết.