Với dự báo thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt kéo dài đến hết tháng 7, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn khẩn chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó, ngăn chặn kịp thời, không để cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
Nguy cơ cao
Những ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh rất khô hanh, nguy cơ cháy rừng ở các địa phương trong tỉnh luôn ở mức cấp III (cấp cao) trở lên. Do đó, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa luôn túc trực 24/24 giờ để canh coi lửa rừng. Thấy khói bốc lên từ vạt rừng cạnh Tỉnh lộ 9, nhận định có lò hầm than trái phép hoạt động, lực lượng của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) lập tức xác định địa điểm, tìm đường đến nơi có lò than để xử lý, nếu không nguy cơ cháy lan vào rừng rất lớn.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, đơn vị đã tiến hành rà soát, xác định trong lâm phận của đơn vị có khoảng 2.500ha rừng, đất rừng ở các địa phương: Cam Ranh, Cam Lâm và Khánh Sơn có nguy cơ cháy cao. Điều đáng lo, những diện tích rừng này đều nằm ở khu vực có địa hình hiểm trở, dốc cao, khi xảy ra cháy sẽ rất khó xử lý, kiểm soát. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng người dân phát nương đốt rẫy ở những khu vực giáp ranh; người đi rừng khai thác lâm sản như đốt ong, sử dụng lửa bất cẩn dẫn đến cháy rừng. Hoạt động của các lò hầm than trong rừng cũng rất dễ dẫn đến cháy rừng. Thời gian qua, lực lượng của đơn vị đã phát hiện, phá bỏ 16 lò hầm than, tiêu hủy 2,5 tấn than thành phẩm. Trong lâm phận của đơn vị cũng xảy ra 1 vụ cháy rừng trồng, nhờ phát hiện kịp thời và thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ nên không gây thiệt hại.
Các đơn vị chủ rừng khác cũng đang tập trung phòng, chống cháy rừng. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, trong cao điểm mùa khô năm nay, toàn tỉnh có gần 240.000ha rừng, trong đó hơn 61.000ha rừng trồng thường xuyên đối diện với nguy cơ xảy ra cháy. Nhiều diện tích rừng trồng xen lẫn với các diện tích mía; tình trạng đốt than trái pháp luật vẫn diễn ra ở một số khu vực; đồng bào dân tộc thiểu số canh tác nương rẫy gần khu vực rừng trồng, sử dụng lửa trong rừng khi thu hái lâm sản... là những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng.
Tập trung phòng, chống cháy rừng
Dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng rất cao, mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, ngành và địa phương, trong đó có Khánh Hòa khẩn trương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống cháy rừng. Cụ thể, kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện phòng, chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Đồng thời, kiểm soát chặt người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn…
Ngày 1-7, UBND tỉnh có công văn khẩn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chủ động triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn kịp thời không để nguy cơ cháy rừng xảy ra trên địa bàn; UBND cấp xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng cho người dân, tổ chức ký cam kết đối với các chủ rừng, nhất là hộ gia đình, cá nhân. Trong những ngày khô hạn kéo dài, UBND cấp xã, các chủ rừng phối hợp với lực lượng kiểm lâm bố trí ứng trực 24/24 giờ, canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, sử dụng lửa trong và gần rừng; nghiêm cấm việc phát, dọn, đốt xử lý thực bì trong suốt thời gian nguy cơ cháy rừng cao.
Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm lưu ý, các địa phương, đơn vị chủ rừng cần xác định rõ quan điểm phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời; nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tổ chức ứng trực nhằm phát hiện sớm đám cháy để kịp thời dập tắt, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn. Bên cạnh đó, phải tập trung công tác tuyên truyền, nhất là các khu vực có người dân sinh sống, sản xuất gần rừng và ven rừng…
HẢI LĂNG