Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa chủ trì tổ chức buổi làm việc với các sở, đơn vị, địa phương liên quan bàn giải pháp xử lý nợ xấu đối với ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Qua đó, ngành NH kiến nghị nhiều nội dung.
Khó thu hồi nợ
Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, với thực trạng nợ xấu các khoản vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 có xu hướng ngày càng tăng, ngành NH đã triển khai nhiều giải pháp như: Tuyên truyền cho các chủ tàu hiểu rõ về ý nghĩa, những ưu đãi mà chủ tàu vay vốn được hưởng và đề nghị chủ tàu thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký kết. Bên cạnh đó, NH phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đối thoại với ngư dân vay vốn nhằm bàn hướng xử lý các khoản nợ vay; thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu; khởi kiện chủ tàu không trả nợ NH.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chỉ đạo của UBND tỉnh, các NH chủ động triển khai những giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân như: cơ cấu nợ, chấp thuận một thời gian trả chậm, cho vay vốn lưu động. Đồng thời, NH đã làm việc với từng khách hàng để xác định lộ trình trả nợ quá hạn; tìm kiếm các khách hàng chuyển đổi theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu, kéo dài thời gian vay.
Tuy nhiên, quá trình thu hồi nợ vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy NH cơ cấu lại khoản nợ cho khách hàng nhưng khi biết khoản nợ cơ cấu lại không được hỗ trợ lãi suất (do không phải từ nguyên nhân khách quan), nhiều chủ tàu không chấp nhận cơ cấu lại; không hợp tác, không mua bảo hiểm khi hết hạn bảo hiểm; có tư tưởng trông chờ Nhà nước xóa nợ. Một số chủ tàu có các nguồn thu khác để trả nợ, nhưng vẫn không đồng ý dùng các nguồn thu này để trả nợ NH. Một số khách hàng đồng thời có dư nợ khoản vay thương mại khác và khoản vay theo Nghị định 67 tại Agribank Khánh Hòa nhưng chỉ thanh toán đúng hạn khoản vay thương mại, chây ì trong việc thanh toán khoản vay theo Nghị định 67.
Những kiến nghị, đề xuất
Đến ngày 30-9, các NH trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn 31 tàu theo Nghị định 67, dư nợ hơn 262,5 tỷ đồng, nợ xấu hơn 103,2 tỷ đồng, tỷ lệ 39,25% (12 tàu). Các khoản vay và nợ xấu tập trung ở BIDV Khánh Hòa và Agribank Khánh Hòa. Hiện nay, các NH đã khởi kiện 10 chủ tàu, tòa án đã thụ lý hồ sơ. Với những khó khăn trong xử lý nợ xấu của các khoản vay đóng tàu theo Nghị định 67, ngày 25-9, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu hướng xử lý. |
Nhằm hạn chế nợ xấu các khoản vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá tiếp tục phát sinh và tăng cường công tác quản lý tài sản đảm bảo, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương có biển tiếp tục tích cực tuyên truyền cho các chủ tàu hiểu rõ ý nghĩa, ưu đãi của chính sách tín dụng theo Nghị định 67, nâng cao ý thức thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay; tuyên truyền cho các chủ tàu về Nghị định số 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67; thực hiện nghiêm túc việc ghi chép đầy đủ sổ nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác; nâng cao ý thức mua bảo hiểm tàu cá của ngư dân; hỗ trợ NH trong việc nắm bắt tình hình hoạt động của các chủ tàu cá để thu hồi nợ đối với các chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng có biểu hiện chây ì. UBND TP. Nha Trang tiếp tục chỉ đạo Tòa án nhân dân thành phố nhanh chóng thụ lý các hồ sơ khởi kiện chủ tàu cá; hỗ trợ NH thủ tục chuyển đổi chủ tàu theo Nghị định số 17.
Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu, chi nhánh cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các NH đôn đốc chủ tàu thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn; tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 17 để ngư dân nâng cao ý thức mua bảo hiểm, nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong quá trình hoạt động; phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kinh phí mua bảo hiểm thân tàu theo từng năm cho chủ tàu theo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Thông báo số 523 ngày 23-7-2019. Bên cạnh đó, hỗ trợ, giới thiệu cho NH các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển nhượng lại tàu do NH phát mại. Đối với những trường hợp này, trị giá thực tế con tàu luôn thấp hơn dư nợ vay NH, cần vận động chủ tàu cũ trả phần dư nợ chênh lệch giữa dư nợ hiện tại và trị giá thực tế của con tàu được định giá lại; đồng thời vận động chủ tàu mới nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay theo đúng dư nợ còn lại theo quy định.
Đồng thời, ngành NH kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ quá trình xuất nhập bến các tàu cá, đặc biệt là các tàu có thu nhập, hoạt động hiệu quả nhưng cố tình không thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi có đề nghị của các NH; đề nghị Sở Tài chính phối hợp với Kho bạc Nhà nước hướng dẫn các địa phương trình tự thực hiện việc chuyển tiền hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định số 48 đối với các chủ tàu bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của các chủ tàu mở tại NH cho vay vốn thay cho việc nhận tiền mặt. Các NH phối hợp với sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động ngư dân trả nợ theo quy định.
NAM DU