Thời gian qua, công tác quản lý thu ngân sách đối với hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh tuy đạt một số kết quả nhưng vẫn còn khó khăn. Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa đã và đang tăng cường quản lý thuế lĩnh vực này.
Số thu tăng 31,2%
Hiện nay, có 6 doanh nghiệp (DN) hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện kê khai, nộp thuế tại Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa. Trong đó, có 4 DN hoạt động tại huyện Diên Khánh và 2 DN hoạt động tại huyện Khánh Vĩnh. Thời gian qua, chi cục thuế đã tăng cường quản lý các nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản được cấp phép, lưu ý các dự án xây dựng, không để tình trạng sử dụng hóa đơn, chứng từ nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc khoáng sản khai thác trái phép. UBND 2 huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra địa bàn, chú trọng các khu vực trọng điểm có nguy cơ khai thác tài nguyên trái phép. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm chính, trực tiếp trong chỉ đạo hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi, đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường cũng như việc để các tổ chức, cá nhân vi phạm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng còn vận động nhân dân không tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên trái phép; quản lý chặt chẽ việc đăng ký tạm trú, tạm vắng; vận động các chủ phương tiện kê khai đầy đủ, ký cam kết không sử dụng thiết bị phục vụ việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép…
Nhờ vậy, công tác quản lý thuế tài nguyên trên địa bàn huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh đạt kết quả tốt. 8 tháng năm 2020, Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa thu nộp ngân sách nhà nước về thuế tài nguyên được 12 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tập trung kiểm tra, rà soát
Bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan chức năng còn gặp khó khăn trong việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Do các DN thực hiện cơ chế tự khai tự nộp nên cơ quan thuế chưa có đầy đủ căn cứ để xác định tính đúng đắn giữa sản lượng tài nguyên khoáng sản DN thực tế khai thác và sản lượng DN đã kê khai thuế; không ít trường hợp bên bán vật liệu xây dựng không chứng minh được nguồn gốc tài nguyên (không có hóa đơn đầu vào) nhưng đã lập hóa đơn xuất cho bên mua (và kê khai nộp thuế). Mặt khác, không ít khách hàng mua đất, đá của các DN không cần hóa đơn cũng gây khó khăn cho cơ quan thuế trong quản lý. Ngoài ra, số DN được cấp phép khai thác khoáng sản ngày càng ít nên thu hẹp đối tượng nộp thuế...
Theo quy định, DN hoạt động khai thác tài nguyên thì phải nộp các khoản nghĩa vụ tài chính vào ngân sách gồm: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thuế tài nguyên; thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN; phí bảo vệ môi trường. |
Thực tế, các DN được cấp phép khai thác khoáng sản phải nộp đầy đủ các khoản thuế, phí theo quy định nên giá sản phẩm thường cao hơn các trường hợp khai thác trái phép. Vì vậy, các DN kiến nghị thời gian tới, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản trái phép và tại các điểm đã cấp phép; có chế tài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cũng như bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác trái phép. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đề nghị cấp mới, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản.
Theo ông Trương Công Đạt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa, thời gian tới, chi cục thuế sẽ tăng cường quản lý thuế tài nguyên; chú trọng phân tích hồ sơ khai thuế; kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại các DN nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp mua bán hóa đơn để hợp pháp hóa nguồn gốc khoáng sản trái phép. Bên cạnh đó, rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; kiên quyết không để các tổ chức, cá nhân không có giấy phép khai thác khoáng sản kê khai, nộp thuế, phí; đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách pháp luật thuế đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh…
N.K