Tôi là Phùng Quốc Huy Hoàng, sinh năm 1995 ở Nha Trang, hiện sống và làm việc tại TP.HCM. Tôi theo đuổi việc in các sản phẩm 3D đến nay đã 5 năm. Trước đây, tôi học quản trị nhà hàng tại trường Đại học Công nghiệp, nhưng quyết định ngừng học ở năm 2 vì cảm thấy đây không phải đam mê của mình. |
Trong thời gian tự tìm hiểu bản thân, tôi quen một người anh trên mạng xã hội làm về đất sét. Một bức tượng đầu khỉ được người này thực hiện dựa trên bộ phim Planet of the Apes quá đẹp, khiến tôi lân la tìm hiểu về tạo hình đất sét. Đó là những bước đầu tiên đưa tôi dấn thân vào ngành in 3D. |
Từ tháng 10/2018, tôi thành lập Craftech - sự kết hợp của craft (thủ công) và tech (công nghệ) - với mong muốn tạo ra những sản phẩm in dựa trên các yếu tố này. Thị trường in 3D tại Việt Nam bắt đầu rộ lên từ 2017, đến nay đã phát triển khá mạnh. Trước đó, khi làm một chi tiết máy, thợ phải cắt CNC bằng sắt, thép. Về mỹ thuật cũng phải tốn công thuê người điêu khắc hoặc làm từ đất sét. |
Ngoài ra, giá thành là một trong những lý do in 3D ngày càng được ưu chuộng. Trước đó, người ta thường đắp bằng đất hoặc gọt xốp để tạo hình. Sau đó đến công đoạn làm khuôn silicon, đổ nhựa và tháo ra như làm thạch rau câu. Chính bước làm khuôn này đội chi phí lên cao.
Với tổng số nhân viên là 10 người, chúng tôi chỉ thực hiện một số khâu chính như thiết kế cơ khí, vẽ mỹ thuật, kế toán... Những công đoạn như cắt CNC, làm khuôn... sẽ giao cho đơn vị khác để tối ưu chi phí. |
Toàn bộ thao tác thiết kế bản vẽ sẽ được thực hiện bằng phần mềm mô phỏng trên máy tính.
Máy in công suất 12 V tiêu tốn số tiền điện khoảng 3-4 triệu/tháng. Khi in, các lớp vật liệu được đắp chồng lên nhau và định dạng dưới sự kiểm soát của máy tính. Những chiếc máy in này được tôi mua ở một công ty trong nước với mức giá trên 10 triệu đồng/ 1 máy. |
Bản vẽ được đưa vào máy. Tôi điều chỉnh một số cài đặt trước khi quá trình in bắt đầu.
Dây nguyên liệu được làm nóng chảy trước khi in. Tùy vào đầu phun, dây nhựa được đóng gói thành các cuộn kích thước khác nhau. Nguyên liệu khá dễ mua ở Việt Nam. |
Phần keo dán giúp cho sản phẩm mẫu bám dính vào bàn in 3D. |
Đối với những sản phẩm có kích thước lớn, chúng tôi sẽ hàn ráp từng bộ phận thay vì in toàn bộ, do khổ in của máy chỉ có 40 cm2.
Các máy in nhỏ cũng hoạt động với cách thức tương tự máy lớn. |
Đây là một sản phẩm của máy in nhỏ. Chúng tôi từng cho ra đời những thành phẩm với kích thước chỉ từ 2 cm. |
Một số sản phẩm buộc phải in bằng máy lỏng vì cần nhiều chi tiết nhỏ, mất khoảng nhiều tuần hoàn thành. Chưa kể, để sản phẩm đạt độ hoàn thiện cao, nhà sản xuất còn cần phải phối hợp nhiều vật liệu. |
Tùy theo đơn đặt hàng, chúng tôi sẽ lựa chọn cách thức sản xuất phù hợp. Ví dụ, in trực tiếp sẽ áp dụng cho khách đặt sự kiện cần 10-20 sản phẩm. Với những yêu cầu sản xuất hàng loạt, số lượng hàng chục nghìn, chúng tôi phải làm khuôn silicon hoặc khuôn thép. |
Đây là một sản phẩm chúng tôi thực hiện cho đơn vị tổ chức chương trình về khủng long ở Hải Phòng. Tuy nhiên, dự án này sản xuất từ composite hoặc silicon, không phải in 3D. |
Thành phẩm in 3D to nhất, đắt nhất chúng tôi từng thực hiện là chú gấu kích cỡ 5 m giao cho một quán trà sữa. Trong xưởng hiện nay có những dự án đắt tiền hơn, nhưng làm từ nhựa silicon và composite đúc khuôn, không phải in 3D. |
Một lô hàng được chúng tôi vận chuyển cho khách ở Phú Quốc. Với những sản phẩm cồng kềnh, tôi buộc phải tốn phí thuê xe. Tính đến nay, dự án trị giá cao nhất công ty từng thực hiện là bộ tiểu cảnh giá 1,8 tỷ đồng. |
Chúng tôi sinh hoạt thường ngày ngay tại xưởng. Hiện công ty đang chuẩn bị dự án cho khách hàng ở miền trung. Tôi đã đi khảo sát nhưng vẫn còn rất nhiều thứ dang dở. |