Theo đó, cơ quan chức năng đã thu mẫu 3 vị trí tại khu vực nuôi trồng thủy sản cách cầu cảng Đầm Môn 0,6 km về phía đông, gần khu vực nuôi trồng thủy sản của Cty TNHH Ngọc Trai Sài Gòn và gần khu vực nuôi thủy sản của Cty TNHH Autralis Việt Nam.
Kết quả phân tích mẫu cho thấy các thông số về nhiệt độ, độ mặn, pH, hàm lượng muối dinh dưỡng và Chlorophyll đều bình thường, tuy nhiên thành phần thực vật phù du rất cao.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn ghi nhận tại 3 vị trí thu mẫu hiện có một số loài tảo có khả năng gây hại như Noctiluca scintillans, Tripos furca, Psedo-nitzschia spp, Tripos fusus và Tripos trichoceros.
Đối với các loài tảo có khả năng sinh sản độc tố cần phải giám sát, cảnh báo đối với các vùng nuôi để đảm bảo cung cấp nguồn hải sản an toàn cho người tiêu dùng.
Trước tình hình trên, để kịp thời phòng tránh, giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra trong trường hợp có sự phát triển bùng phát của các loài tảo trên vịnh Vân Phong, cơ quan chức năng đã thông báo cho người nuôi biết để thường xuyên theo dõi.
Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, Phó trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, Chi cục đã khuyến cáo người dân theo dõi sự phát triển của tảo.
Đồng thời nên di dời lồng bè đến vùng đã được quy hoạch, đảm bảo độ sâu khi thủy triều thấp là 8m để đủ lượng oxy hòa tan cho loài nuôi; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lưới lồng, vớt rác, tạo môi trường thông thoáng cho loài nuôi phát triển. Khi phát hiện nước biển thất thường xảy ra hoặc thủy sản chết, người nuôi cần thông báo kịp thời đến cư quan chức năng, chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời...